Mở rộng các FTA để tăng lực xuất khẩu cho hàng Việt
Tận dụng đòn bẩy Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang châu Mỹ FTA vẫn là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu |
Đàm phán FTA với UAE và thị trường Nam Mỹ
Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa được 2 bên ký kết trong tháng 4. Hiệp định thương mại tự do (FTA) này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ song phương. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đang trở thành công xưởng sản xuất nhiều ngành hàng quan trọng của khu vực và thế giới, còn UAE có nhiều thế mạnh với vị trí cảng trung chuyển, trung tâm tài chính và logistics.
Ngành thủy sản Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Đ.T |
Năm 2022, theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại 2 chiều Việt Nam - UAE đạt gần 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,84 tỷ USD và nhập từ thị trường này 550 triệu USD.
Với khu vực Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Việt Nam đang cùng các đối tác thúc đẩy để sớm khởi động đàm phán FTA, tạo động lực khai thác thị trường xuất khẩu khu vực Nam Mỹ.
Với 4 nền kinh tế, gồm Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay, Mercosur đang trở thành điểm đến của nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta. Năm 2022, khu vực này ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam tăng trưởng 9,2% so với năm 2021, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%; nhập khẩu 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.
Nhờ thực thi các FTA, một lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu đã được ưu đãi thuế theo cam kết. Theo số liệu từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2022 đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Trong năm 2022, đã có hơn 1,38 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 13,18% về trị giá và tăng 11,75% về số lượng so với năm 2021. |
Mong muốn thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và Mercosur đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong cuộc gặp Tổng thống Brasil Lula Da Silva tại Hiroshima (Nhật Bản) chiều 21/5. Đề nghị Brasil ủng hộ, thúc đẩy khởi động đàm phán FTA, Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Brasil với vai trò đối tác theo lĩnh vực, giữa ASEAN và Mercosur”.
Trong nhiều năm qua, Brasil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức kỷ lục 6,78 tỷ USD. Nhìn rộng ra cấp độ khu vực, dòng chảy thương mại giữa Mercosur và Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng dòng chảy thương mại giữa Mercosur và ASEAN.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, việc triển khai đàm phán FTA với Mercosur sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giúp hàng Việt tiến sâu vào khu vực thị trường Mỹ La-tinh rộng lớn.
Nắm rõ cam kết để tận dụng ưu đãi
Đến thời điểm này, ngoài 15 FTA đang có hiệu lực, Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với Israel (dự kiến ký kết ngay trong năm 2023); đang trong quá trình đàm phán FTA với Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA, gồm Thụy Sỹ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland); khởi động đàm phán FTA với UAE và đang trong giai đoạn thúc đẩy đi vào đàm phán FTA với Mercosur.
Hệ thống FTA đang thực thi đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa, tạo lực đẩy giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2033 đạt hơn 730 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 12,4 tỷ USD. Mục tiêu năm 2023, xuất khẩu sẽ chinh phục mốc 393 - 394 tỷ USD.
Tại Hội thảo Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các FTA do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, đại diện cơ quan quản lý và các chuyên gia đều nhấn mạnh, để thực thi cam kết thuế quan từ các FTA có hiệu quả, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và có hành động chuẩn bị phù hợp.
Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 15 FTA và 2 hiệp định thương mại song phương (với Lào và Cuba) với mức bao phủ hơn 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Linh, Trưởng phòng Hội nhập tài chính đa phương (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính) nhấn mạnh, các cam kết ưu đãi thuế giai đoạn mới sẽ tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn, tạo điều kiện tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực cũng như cơ hội tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, gia tăng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Về hiệu ứng từ các FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp đều đánh giá, các FTA tiếp tục tác động tích cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt với các doanh nghiệp có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết từ các hiệp định.
Bà Trang lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nào, thì phải tìm hiểu các hiệp định mà Việt Nam đã ký với thị trường đó, nắm rõ các cam kết ưu đãi thuế quan để có thể tận dụng hiệu quả.
“Đơn cử, với thị trường Nhật Bản, Việt Nam và Nhật Bản đang cùng là thành viên của 4 hiệp định (CPTPP, ASEAN - Nhật Bản, VJFTA, RCEP), doanh nghiệp cần tìm hiểu 4 biểu thuế khác nhau của 4 hiệp định này cũng như biểu thuế chung (MFN), xem biểu thuế nào ưu đãi hơn, dễ thực hiện hơn để áp dụng”, bà Trang nêu ví dụ.