Lào Cai: Phát triển các làng nghề truyền thống vùng dân tộc
Hơn một nửa trong số đó là các làng nghề do phụ nữ dân tộc làm chủ và đã ghi dấu ấn thương hiệu như: Làng dệt thổ cẩm của người Tày xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); làng dệt thổ cẩm của người Giáy, xã Tả Van (thị xã Sa Pa); làng dệt vải của người Thu Lao, xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương). Đặc biệt, hàng thổ cẩm của Câu lạc bộ Thổ cẩm phụ nữ Xa Phó, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa đã xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản…
Nghề thêu, dệt thổ cẩm ở Sa Pa do phụ nữ dân tộc làm chủ ngày càng phát triển |
Bên cạnh đó, Lào Cai còn có nhiều nghề truyền thống khác có thể trở thành sản phẩm du lịch như: Nghề đan lát của dân tộc Hà Nhì ở xã Y Tý (huyện Bát Xát); nghề rèn đúc lưỡi cày của người Mông xã Bản Phố và xã Na Hối (huyện Bắc Hà); nghề làm hương của người Giáy ở huyện Bát Xát và người Mông ở huyện Si Ma Cai.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề, trong giai đoạn 2022 - 2025, Lào Cai sẽ triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, 11 nhóm giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề.
Trong đó, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục và bảo tồn đối với nghề, làng nghề truyền thống như: Nghề làm hương của người Giáy thôn Kíp Tước, nghề làm Cốm của người Tày; làng nghề thêu, may thổ cẩm của người Xa Phó, thôn Nậm Rịa; nghề nấu rượu thóc tại Làng Mới, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai); làng nghề mây tre đan Hà Nhì, xã Y Tý, xã Nậm Pung (huyện Bát Xát); nghề dệt thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông tại thôn Sín Chải, thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng); nghề làm nhạc cụ Khèn dân tộc Mông, tại xã Cán Cấu, xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai); nghề chạm khắc bạc của người Dao Đỏ, tại xã Ngũ Chỉ Sơn và xã Liên Minh, nghề làm hương của người Giáy xã Tả Van, nghề làm chạm khắc bạc dân tộc Mông xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa); nghề mây tre đan dân tộc Tày xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); các làng nghề sản xuất rượu truyền thống: San Lùng, xã Nậm Pung (huyện Bát Xát), Cốc Ngù (huyện Mường Khương), Bản Phố (huyện Bắc Hà).
Người Giáy lưu giữ nghề làm hương truyền thống |
Để tăng thêm thu nhập cho bà con, Lào Cai cũng quan tâm phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm và nghề nấu rượu tại thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà gắn với các tuyến/điểm du lịch trên địa bàn. Tập trung ưu tiên hỗ trợ một số làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa; làng nghề nấu rượu đặc sản Thanh Kim tại xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa; làng nghề dệt may thổ cẩm, trang phục dân tộc gắn với điểm du lịch tại xã Tả Van Chư gắn với điểm du lịch Hang Rồng, huyện Bắc Hà; làng nghề dệt may thổ cẩm, trang phục dân tộc gắn với điểm du lịch Hang Tiên và Hồ thủy điện Cốc Ly, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà; làng nghề trồng hoa địa lan tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa; làng Nghề đan tại xã Y Tý, huyện Bát Xát….
Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bằng việc hỗ trợ phát triển làng nghề thêu, may thổ cẩm, cắt may trang phục dân tộc và nghề làm cốm gắn với điểm du lịch tại xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai; hỗ trợ làng nghề trồng và chế biến thuốc tắm người Dao đỏ tại xã Tả Phìn, xã Thanh Kim, thị trấn Sa Pa, thị xã Sa Pa.
Phấn đấu đến năm 2025, công nhận mới được 5 làng nghề, 6 nghề truyền thống và đến năm 2030 duy trì, công nhận mới được 5 làng nghề, 5 làng nghề truyền thống và 1 nghề truyền thống tập trung tại các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa; Thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả.