Làm gì để hài hoà lợi ích khi doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu với cơ quan nhà nước?
Doanh nghiệp bất động sản nghẹt thở giữa hai gọng kìm “pháp lý” và “nguồn vốn” Làm gì để giải quyết 3 không “định mệnh” với doanh nghiệp Việt? |
Nhắc đến câu chuyện doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu với cơ quan nhà nước, một ví dụ thường được nhắc đến là câu chuyện giữa Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và hãng Apple cách đây mấy năm.
Đó là vụ khủng bố xảy ra tại một cuộc đua marathon ở thành phố Boston. Tại cuộc đua đã xảy ra một vụ khủng bố và dữ liệu liện quan đến kẻ khủng bố được cho là nằm trong một chiếc iPhone mà FBI có được. FBI trước sau nhất quyết yêu cầu Apple phải cung cấp công cụ để mở khoá chiếc iPhone này trong khi Apple từ chối vì cho rằng điều đó xâm phạm quyền riêng tư khách hàng và bí mật của Apple. Hai bên cùng ra toà và kết quả Apple thắng kiện. FBI sau đó buộc phải mua một phần mềm mở khoá để có thể mở được chiếc iPhone tìm ra dữ liệu buộc tội kẻ chủ mưu khủng bố.
Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu chia sẻ dữ liệu từ khu vực tư vì lợi ích công càng lớn. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ khi nhu cầu này đang gia tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử ngày càng “nóng”.
Hiện một số văn bản pháp luật cũng dự thảo văn bản pháp luật đặt ra yêu cầu doanh nghiệp kết nối, cung cấp dữ liệu. Nhưng có một mâu thuẫn là dữ liệu là bí mật kinh doanh, là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp trong khi Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp trong khi hoạt động chia sẻ này có thể tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động kinh doanh, nhất là khi có thể bị chia sẻ tới nhiều bên.
Cần có các quy định pháp lý rõ ràng cho việc chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước. Ảnh minh hoạ. |
Ý nghĩa của việc chia sẻ này đành rằng phục vụ cho việc quản lý hành chính, giám sát hoạt động kinh doanh và bảo đảm trật tự kinh tế - xã hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có thể có nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu khi được yêu cầu song đó không phải là nghĩa vụ mặc nhiên.
Tuy nhiên đang có một thực tế gây lo ngại cho doanh nghiệp, theo đó quá trình xây dựng quy định pháp luật hiện nay đang đi theo xu hướng coi doanh nghiệp có nghĩa vụ mặc nhiên phải chia sẻ dữ liệu với cơ quan nhà nước thay cho việc chỉ cung cấp khi có yêu cầu. Xu hướng này hiện đang mạnh lên trong khi dữ liệu chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, được pháp luật bảo vệ và ở góc độ nhất định là bất khả xâm phạm.
Khi “điểm danh” các rủi ro có thể xảy đến với doanh nghiệp khi chia sẻ dữ liệu, điều gây lo ngại nhất là bên cạnh năng lực chuyên môn của người khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước chính là việc rò rỉ, mất dữ liệu và phát sinh trách nhiệm. Những quy định này ở Việt Nam hiện chưa rõ ràng và khi xảy ra việc mất dữ liệu, doanh nghiệp không biết bấu víu vào đâu và không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh “dở khóc dở mếu”
Mục tiêu hài hoà giữa công tác quản lý nhà nước và bảo đảm lợi ích phát triển doanh nghiệp là điều ai cũng nhận thấy, không cần phải bàn cãi nhưng vấn đề nằm ở chỗ sẽ phải thực hiện mục tiêu này như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy để đạt đến sự hài hoà của mục tiêu, việc chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước cần có được một quy trình pháp lý được quy định rõ ràng, có thể dễ dàng thực hiện.
Cùng với đó việc chia sẻ cũng như sử dụng dữ liệu từ doanh nghiệp cần phải được giới hạn cho một số mục đích đã được thống nhất giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, nhất là trong trường hợp có các thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp.