Hàng Việt khai thác thị trường mới trong các FTA
Tận dụng cơ hội
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,4 tỷ USD hàng hóa sang Canada - thị trường lần đầu tiên có FTA với Việt Nam thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này đến từ các ngành hàng tỷ USD như dệt may, giày dép, điện tử… đang khai thác khá tốt FTA thế hệ mới này.
Trong đó, riêng hàng dệt may sang Canada vượt 1,3 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước và là mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu sang Canada. Tiếp đến là giày dép các loại đạt 604,6 triệu USD, tăng 64,3%. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 521,3 triệu USD, tăng 27,7%...
Tương tự, một thị trường mới, cũng lần đầu có FTA với Việt Nam là Mexico cũng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đạt gần 4,6 tỷ USD. Nếu không có CPTPP, xuất khẩu sang khối các thị trường này khó đạt được con số như vậy.
Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico thông tin, với khoảng cách địa lý xa xôi, gián đoạn chuỗi cung ứng và chịu tác động của đại dịch, nhưng hàng Việt Nam đang xuất hiện nhiều hơn tại Mexico sau khi CPTPP có hiệu lực. Cùng với đó, Việt Nam hiện đã trở thành một trong số các nhà cung cấp được Mexico lựa chọn, doanh nghiệp cần khai thác mạnh lợi thế này.
Hệ thống 15 FTA đang thực thi đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa, để xuất khẩu của Việt Nam cán mốc khoảng 393 - 394 tỷ USD năm 2023. |
Nông sản chế biến, điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô là các mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang Mexico. Hiện, mặt hàng điện tử bao gồm máy tính, điện thoại, điện thoại di động, hàng điện tử dân dụng, các loại mạch điện tử đang là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất sang Mexico.
Nhiều tiềm năng để xuất khẩu của Việt Nam sớm đạt mục tiêu 15-17 tỷ USD vào 2 thị trường Canada và Mexico trong những năm tới.
Lợi thế không nhỏ từ các thị trường FTA
Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hệ thống 15 FTA đang thực thi của Việt Nam đã hỗ trợ đắc lực cho thương mại hàng hóa, để xuất khẩu cán mốc khoảng 393 - 394 tỷ USD trong năm 2023.
Trong đó, không thể không tận dụng triệt để các FTA hiện có, tấn công mạnh vào những thị trường trong các FTA mà hàng Việt chưa xuất hiện nhiều.
Đa dạng hóa thị trường, đầu tư khai thác thị trường mới sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống. Hiện những thị trường như Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Nhưng các thị trường nhỏ hơn thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ làm nên chuyện, nếu được đầu tư khai thác đúng hướng.
Đơn cử, trong năm qua, tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ thuộc EU, gồm Ba Lan (tăng 11%), Séc (tăng 14,6%), Đan Mạch (tăng 40%), Rumani (tăng 52,6%), Slovenia (tăng 14,1%)… đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.
“Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khẳng định.
Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn chưa ngừng, nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều tác động xấu, dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu và Mỹ, Việt Nam cần đẩy nhanh đàm phán thêm FTA để đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Hiện Việt Nam đang đàm phán 2 FTA, gồm: Việt Nam - EFTA (Thụy Sỹ, Na uy, Iceland, Liechtenstein) và Việt Nam - Israel. Chúng ta đang tiến tới gần hơn trong quá trình kết thúc đàm phán FTA với Israel, tạo bước tiến quan trọng để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Khi FTA với Israel được ký kết, sẽ mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng. Một khi có FTA với Israel, đồng nghĩa với cơ hội gia tăng xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ cũng hiện thực hơn, để hàng Việt tỏa đi nhiều quốc gia hơn nữa.