Vượt 100 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của hàng Việt
Cà phê dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản Dệt may phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD |
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỷ USD/năm.
Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hoa Kỳ |
Trong đó, máy móc, thiết bị và phụ tùng là nhóm hàng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Việt Nam trong năm 2022. Tiếp theo là nhóm hàng dệt, may với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,3 tỷ USD, chiếm 15,8%. Theo sau là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 15,9 tỷ USD và 11,8 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, sau hơn 27 năm bình thường hóa quan hệ, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Hiện Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam đang nỗ lực đón đầu xu thế lớn về chuyển đổi số để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong số đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang nỗ lực chủ động, tích cực tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu hiện nay.
Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là một điểm đến đáng tin cậy của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nỗ lực đảm bảo chuỗi “cung ứng sạch và ổn định” trong một thế giới nhiều biến động.
Bộ Công Thương cũng kỳ vọng thời gian tới, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tích cực trao đổi về cách thích ứng với bối cảnh xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu; những định hướng chính sách mới của Hoa Kỳ, những lĩnh vực tiềm năng và cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương với Việt Nam... Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.