Sóc Trăng
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
Hội nghị được tổ chức tại Nhà văn hóa các xã Vĩnh Hải, Thạnh Quới, Thuận Hưng và Liêu Tú dưới sự chủ trì của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng và Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Tú và huyện Trần Đề. Tham dự hội nghị là hơn 480 đại biểu là cán bộ công tác dân tộc cấp huyện, xã; đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể của xã; các vị Archar, Ban Quản trị và các vị sư sãi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã tổ chức hội nghị.
Đề án đã đề cao những chuẩn mực giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc |
Mục đích của hội nghị nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc cấp huyện, cán bộ đoàn thể cấp xã, Trưởng ban Nhân dân ấp, người có uy tín, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về nhận thức và ý thức pháp luật trong hôn nhân và gia đình; tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại, ngăn ngừa và góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được xem các phóng sự về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; được các báo báo viên tuyên truyền các nguyên nhân, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và trao đổi các giải pháp giúp ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt, các đại biểu đã được hướng dẫn phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện việc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Với các nội dung đã được phổ biến trong hội nghị, các đại biểu sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại tại địa phương. Qua đó, ngăn ngừa và góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số.
… đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số |
Trong 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025”, huyện Thạnh Trị đã làm tốtcông tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự... Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn huyện ít có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điều này cho thấy đề án đã tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình, xã hội, góp phần gìn giữ những chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của đồng bào dân tộc.
Nhằm đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, huyện Thạnh Trị sẽ đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Tại huyện Mỹ Xuyên, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, việc giảm thiểu và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều, không còn xảy ra tình trạng kết hôn cận huyết thống. Đồng bào vùng dân tộc thiểu số dần nhận thức được tác hại và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đề án tại huyện Mỹ Xuyên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: Công tác truyền thông vận động để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được đầu tư nhiều; trình độ dân trí thấp; công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn…