An Giang: Đường thốt nốt - món quà quê xứ Bảy Núi
Từ nghề nấu đường truyền thống…
Từ tháng 10 (âm lịch), huyện miền núi Tri Tôn bắt đầu bước vào mùa khô và kéo dài cho đến tháng 3 năm sau. Đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, thời điểm này bắt đầu vào mùa nấu đường thốt nốt - một đặc sản của miền Tây. Nghề nấu đường thốt nốt đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có được nguồn thu nhập ổn định. Sau mỗi vụ đường, nhiều hộ đồng bào đã xây được nhà, mua sắm vật dụng gia đình, cho con cái học hành…
Đã bao năm trôi qua, nghề nấu đường, hái trái thốt nốt vẫn luôn tuần hoàn giữa dòng chảy của thời gian. Trở thành thông lệ, để bắt tay vào vụ làm ăn mới, bà con phải lo sắm sửa đồ đạc đầy đủ: Tre làm thang leo, keo nhựa đựng nước, dự trữ trấu hoặc lá cây làm chất đốt, kiểm tra nồi, lò tươm tất…
Công đoạn làm đường thốt nốt cũng lắm công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường khác nhau. Lửa nấu phải cháy đều, vừa lửa, người thợ vừa nấu vừa dùng đũa cả quấy đảo kẻo bén đáy chảo. Đũa cả để đảo đường được làm bằng cật tre già, đẽo tựa mái chèo nhỏ. Khi nước thốt nốt đã được cô sền sệt cũng là thời điểm người thợ đổ sang chảo thứ hai, lại đều lửa đun tiếp cho đến độ thành hạt đường.
Sau đó, người thợ nấu đường dùng khuôn để đổ đường thành từng cột đường tròn đều, dùng dao cắt ra từng khoanh đường có độ dày 2-3cm; có lò nấu đường đổ đường ra đầy bát ăn cơm để làm thay khuôn. Đường khô trong lòng bát được lấy ra gói lại gọi là bánh đường. Đường đổ khuôn ống tròn, cắt từng khoanh dầy được xếp 10-12 khoanh làm thành một cây đường. Công đoạn cuối cùng là lấy lá thốt nốt gói kín cây đường lại, trông rất ngon và đẹp mắt.
Đường thốt nốt trước đây chỉ là mặt hàng thực phẩm tự cung tự cấp của người dân Tịnh Biên, Tri Tôn. Ngày nay, món quà quê xứ Bảy Núi đã dần được nhiều người biết đến. Đường thốt nốt không còn quẩn quanh ở các chợ truyền thống ở quê nhà mà còn vươn xa tới thị trường xuất khẩu. Đây cũng là món quà không thể thiếu của du khách khi đến với vùng đất bán sơn địa này.
… đến dự án hỗ trợ bà con sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho bà con, giữ gìn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống, khai thác và chế biến sản phẩm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số, cách đây 2 năm, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã phối hợp Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDHRRA) thực hiện Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang”. Từ đó, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm, phát huy nghề truyền thống, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con tham gia.
Nhằm giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, dự án đã xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Đây là đầu mối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên dự án tại địa phương, đồng thời là nơi giới thiệu, cung cấp các sản phẩm đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt cho du khách tại địa phương. Một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối các hộ sản xuất đường thô để tạo nên chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Thu hoạch quả thốt nốt |
Có thể nói, qua 3 năm thực hiện dự án tại 11 xã của 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc sản xuất ra các sản phẩm từ cây thốt nốt an toàn và chất lượng, đời sống của các hộ dân tham gia dự án từng bước được cải thiện. Từ thành công của dự án này, thương hiệu đường thốt nốt An Giang ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, mặt hàng này có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ở các tỉnh phía Bắc và nhận về những tín hiệu khả quan.
Cụ thể trong tháng 5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tham gia hai sự kiện quảng bá du lịch và thương mại tại miền Bắc, đó là Lễ hội du lịch Hà Nội và Phiên chợ vùng cao Hòa Bình. Đến với hai sự kiện này, An Giang mang gần 200 kg đường thốt nốt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách tại Hà Nội và Hòa Bình. Các sản phẩm đường thốt nốt đa dạng về hình thức như đường viên, đường tán, đường bột…
Ngoài ra, gian hàng còn giới thiệu nhiều sản phẩm khác đều làm từ thốt nốt như múi thốt nốt, thốt nốt rim, nước màu… Ngay trong lễ hội, các sản phẩm đều được bán hết, thậm chí nhiều người tiêu dùng còn lấy số điện thoại để đặt hàng lâu dài. Đây là tín hiệu hết sức tích cực, khẳng định chất lượng của đặc sản đường thốt nốt An Giang.