Xây dựng thương hiệu mắm ruốc xứ Huế
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 120 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản gồm nước mắm, ruốc Huế, nước mắm các loại. Trong đó, mắm ruốc Huế được sử dụng để chế biến hầu hết các món ăn nổi tiếng ở đây. Từ những con ruốc sau khi đánh bắt, lựa chọn những con tươi ngon nhất, làm sạch và sơ chế qua nhiều giai đoạn mang đến loại gia vị khác biệt chỉ Huế mới có.
Mắm ruốc - đặc sản xứ Huế |
Thực tế, hiện nay sản phẩm ruốc Huế, phần lớn tập trung ở vùng biển Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... không chỉ được tiêu thụ ở nhiều nơi mà còn một loại đặc sản đứng đầu trong bảng về gia vị, đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật văn hóa ẩm thực Huế. Nhiều gia đình mỗi năm ướp ủ hàng trăm tấn ruốc nhưng chưa thể làm giàu từ nghề ông cha để lại.
Khó khăn này có nhiều yếu tố, trong đó nhiều hộ, cơ sở sản xuất chưa ý thức tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Nhiều hộ vẫn sản xuất theo lối “hữu xạ tự nhiên hương”, chưa chú trọng đến khâu quảng bá sản phẩm mà chủ yếu xuất bán cho thương lái nên lợi nhuận mang lại chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết các cơ sở chế biến hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, tập trung ở các làng nghề ven biển, đầm phá và một số cơ sở. Do quy mô nhỏ nên việc quảng bá thương hiệu chưa được chú trọng, bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu tốn kém nên các cơ sở sản xuất hầu như không mặn mà.
Nhằm mở rộng phát triển, hình thành các làng nghề, hợp tác xã sản xuất mắm, ruốc, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các tổ chức, doanh
nghiệp, cơ sở làng nghề trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề, đặc sản truyền thống Huế... Trong đó, nổi bật là hoạt động hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương.
Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ các cơ sở đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm |
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh đang triển khai dự án “Tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Ruốc Huế”. Mục tiêu của dự án là đáp ứng 100% tập thể, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có hoạt động sở hữu trí tuệ như: Được tập huấn kiến thức về tạo lập, quản lý, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ…; ít nhất 80% các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được hỗ trợ tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... Đây là cơ hội để đưa sản phẩm “Ruốc Huế” đến các thị trường xa hơn, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho các gia đình làm nghề ruốc ở địa phương.
Sở Công Thương đã đẩy mạnh công tác truyền thông, trưng bày sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học công nghệ triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản. Qua đó, tổ chức tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển thương hiệu đặc sản; tổ chức các lớp tập huấn về tạo lập, quản lý và phát triển thương mại; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất đặc sản Huế phát triển theo hướng bền vững.
Điều khác biệt để xây dựng thương hiệu nước mắm ruốc chuẩn Huế chính là đặc sản khuyết biển (con ruốc) chứa nhiều đạm. Nước mắm ruốc có mặt thường xuyên trong bữa ăn của người dân xứ Huế. Đặc biệt, so với các loại nước mắm công nghiệp thì các thương hiệu mắm gia truyền vẫn đứng vững và ngày càng phát triển.