"Xanh hóa" đô thị - xu hướng phát triển tất yếu
Thách thức của đô thị hóa đối với hệ sinh thái Thủ tướng phê duyệt gần 224 triệu USD phát triển các đô thị xanh Đi tìm định nghĩa “Đô thị xanh” trong thời đại mới |
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa
Việt Nam đang trải qua quá trình đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Nếu như năm 2010, tốc độ đô thị hóa là 30,5% thì đến năm 2023, con số ấy đã tăng lên thành 42,6% và hiện tại vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên.
Đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Ảnh: Vinhomes.vn |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 10/2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân.
Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thay đổi sự phân bố dân cư.
Mặt khác, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, không có quy hoạch dẫn đến các tác động tiêu cực cho môi trường sống, nhất là các khu vực thành phố.
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lao động sản xuất, làm nông tại địa phương. Trong khi tại các thành phố lớn bị áp lực về việc quá tải dân số và thất nghiệp. Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội không ổn định, các tệ nạn xã hội và sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt.
Sự phân hóa này có thể thấy rõ giữa các khu vực thành thị và nông thôn, giữa các nhóm thu nhập trong xã hội, giữa các vùng kinh tế, giữa các địa phương,… Sự chênh lệch giàu nghèo sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ đô thị như: Nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, cấp điện, môi trường...
Ngoài ra, những không gian xanh, mặt nước đang ngày càng thu hẹp và vắng bóng trong môi trường đô thị Việt Nam.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25 m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.
Phát triển đô thị xanh
Nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, “xanh hóa” các đô thị đang trở thành xu hướng tại các thành phố trên khắp thế giới. Theo thống kê, có hơn 100 thành phố ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã triển khai những khu đô thị ở nhiều cấp độ khác nhau.
Đô thị xanh được hiểu là việc quy hoạch xây dựng và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Theo đó, đô thị xanh phát triển trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, kiến trúc không gian đô thị mở và khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo tồn văn hóa bản địa và các di sản.
Phát triển đô thị xanh trở thành xu thế tất yếu. Ảnh: Ecopark |
Chia sẻ về vấn đề, Tiến sỹ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) cho biết, TP. Hồ Chí Minh cần quy hoạch và đầu tư xây dựng các vành đai xanh xung quanh thành phố, trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở vùng đô thị trung tâm như các quận 1, 3, 4, 5, 10… không còn. Vì vậy, cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị mới và vùng ven đô thị để trang trí thay cho công trình bị bê tông hóa.
Bên cạnh đó, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh trong các đồ án quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh hiện là hơn 11.400 ha, tương ứng chỉ tiêu 7 m2/người. Trong khi thực tế hiện nay tổng diện tích công viên hiện hữu ở con số rất khiêm tốn, chỉ khoảng 500 ha, tương ứng 0,55 m2/người.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố.
Đồng thời, theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng có mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại.
Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận chủ trương mở rộng thành phố Phan Thiết phát triển không gian kiến trúc đô thị hài hòa, cân đối; tăng cường khả năng tiếp cận biển, phát triển các đô thị du lịch sinh thái hướng biển, gắn với cải thiện không gian ven biển, không gian xanh, tăng diện tích không gian công cộng để phục vụ cộng đồng, phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh.
Dù nhiều tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển đô thị xanh nhưng số lượng dự án thực tế vẫn khiêm tốn so với nhu cầu và số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Bởi nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm.
Nhận thấy thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp hữu ích cho các chủ đầu tư. Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu, lồng ghép các nội dung phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn - tiêu chuẩn liên quan trong lĩnh vực xây dựng phát triển đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng thực hiện theo quy định của Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng khá lớn. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà sẽ giúp giảm chi phí vận hành và giảm lượng phát thải CO2, mang lại lợi ích to lớn về cải thiện môi trường đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống cư dân đô thị.
Ngoài ra, đẩy mạnh đánh giá, giám sát các mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đồng thời nâng cao năng lực đánh giá, giám sát. Việc giám sát chặt chẽ sẽ xác định được kết quả mục tiêu tăng trưởng xanh theo từng giai đoạn, từ đó có những điều chỉnh, can thiệp hiệu quả.
Không những vậy, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lãnh đạo chính quyền đô thị và cán bộ quản lý đô thị các cấp về các mô hình đô thị mới hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, để nhận thức và lan tỏa tinh thần tăng trưởng xanh mạnh mẽ trong xã hội, cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ các sáng kiến tăng trưởng xanh đô thị và kết nối với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, chính quyền đô thị cho mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh.