Phát triển chùm đô thị vệ tinh, giải bài toán “chiếc áo chật” cho nội đô Hà Nội
Hà Nội: Xử lý nghiêm học sinh vi phạm giao thông Hà Nội: Tăng giải pháp, hiện thực hoá mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Thời quan qua, đô thị Hà Nội được xem như một chiếc áo chật hẹp với lượng người đông, mật độ dân số tăng cao. Một trong những nguyên nhân là do nhiều vướng mắc trong thực hiện quy hoạch. Điển hình là lượng nhà cao tầng "quá tải" tại nội đô trong khi các đô thị vệ sinh chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, với áp lực đô thị hoá nhanh, hệ thống hồ đã bị thu hẹp lại và làm giảm khả năng thoát nước khi gặp mưa, gây nên hiện tượng ngập cục bộ. Nghiêm trọng hơn, với lượng nước thải đô thị phát sinh khoảng 700.000 m3/ngày đêm, trong đó chỉ hơn 22% được xử lý, đã làm ô nhiễm rất nhiều hồ, sông như sông Tô Lịch, các hồ khu vực quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng…
Đồng thời, lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực trung tâm chiếm hơn 50% toàn thành phố, gây áp lực rất lớn đến việc thu gom và xử lý. Đặc biệt, do hoạt động xây dựng quá nhiều, số lượng phương tiện giao thông quá lớn đã làm khu vực trung tâm thành phố xảy ra hiện tượng ô nhiễm không khí, trong đó đặc biệt là ô nhiễm bụi và đến nay chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: V.H |
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, từ quy hoạch của Hà Nội được duyệt năm 1998 đã đặt ra vấn đề di dời các cơ sở công lập, trụ sở một số bộ, ngành, một số cơ sở giáo dục, đại học. Chính phủ đã xác định mục tiêu đến 2025 di dời được gần hết các cơ quan, trường học đến vị trí thích hợp. Tuy nhiên, thành phố không thực hiện được chỉ tiêu này bởi còn bất cập giữa các luật.
Đưa ra giải pháp để giải bài toán “chiếc áo chật” cho nội đô Hà Nội, ông Nghiêm cho rằng Hà Nội cần phát triển theo cấu trúc chùm đô thị. Do các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái.
Đồng thời, khi áp dụng mô hình này, Thành phố sẽ có thêm một số cực tăng trưởng về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao... giảm áp lực vào đô thị trung tâm, nhất là về môi trường, kết cấu hạ tầng.
Theo dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, 5 đô thị vệ tinh được xác định gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000ha.
Năm đô thị vệ tinh có vai trò tạo không gian phát triển mới và thu hút dân cư từ nội thành, giúp giảm mật độ dân số, giảm áp lực đến cơ sở hạ tầng và môi trường đô thị của khu vực trung tâm. Đồng thời tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.
Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024 với hàng chục cơ chế chính sách đặc thù dành riêng cho Hà Nội. Ngoài ra, trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: "Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...". Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ hai trục trung tâm để thực hiện của Hà Nội là: Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.
Thực hiện mô hình đô thị là một thách thức rất lớn cho Hà Nội trong giai đoạn tới, cần định hướng từ Trung ương và Chính phủ và đặc biệt là phát triển chính sách, chiến lược phát triển kinh tế mà Hà Nội phải có giải pháp hợp lý về không gian kinh tế, để đảm bảo mối quan hệ với các vùng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia nhấn mạnh, Hà Nội phải là động lực để phát triển các vùng, đồng thời cũng phải tạo điều kiện để các tỉnh trong vùng cùng phát triển, phải tổ chức lại không gian ở các điểm liên kết các tỉnh trong vùng, đặc biệt là vấn đề giao thông; liên kết vùng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có liên kết các không gian truyền thống của nghìn năm văn hiến với không gian mới hiện đại, gắn không gian Ba Vì, Hồ Tây, Cổ Loa và văn hóa xứ Đoài... để tạo ra một sức sống mới cho Hà Nội.
Việc xây dựng mô hình chùm đô thị là một trong những điểm nhấn của quy hoạch Thủ đô trong tương lai, tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn trong thời gian qua về nguồn lực thực hiện. Trong thời gian tới, phát triển đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Việc xây dựng đô thị đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành. Đặc biệt, lấy người dân làm trung tâm, cần chú trọng đến những yếu tố tác động đến người dân.