Thị trường bán lẻ Hà Nội khẳng định sức hấp dẫn
Thị trường bán lẻ hút vốn ngoại Các “ông lớn” tăng đầu tư, thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng khởi sắc |
Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội tăng cao
Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước có quy mô cao hơn. Thị trường bán lẻ đang dần bắt kịp tốc độ tăng so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội |
Đồng thời, Việt Nam hiện đang được xem là thị trường trọng yếu để mở rộng quy mô đối với nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và đồ thể thao ở Châu Á. Điều này cũng làm gia tăng nguồn cầu đối với mặt bằng bán lẻ tại thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhu cầu thuê không chỉ tập trung ở một loại hình mặt bằng nhất định mà rất đa dạng từ nhà phố, khối đế bán lẻ hay mặt bằng tại trung tâm thương mại.
Theo Báo cáo Thị trường Bất động sản của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong quý 4/2022 đạt mức 1,7 triệu m2, duy trì ổn định theo quý và tăng 4% theo năm. Trong đó, năm 2022, diện tích thuê mới đã đạt 63.200 m2, tăng 364% theo năm. Trong tương lai, vào năm 2023, thị trường còn chờ đón thêm 212.400 m2 nguồn cung mớ tới từ 15 dự án.
Với triển vọng nguồn cung lớn cùng sự trở lại của nguồn cầu, mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội hứa hẹn đáp ứng tích cực cho nhu cầu của các thương hiệu đang dành sự quan tâm với thị trường thủ đô.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ thời gian tới của Thủ đô. Chẳng hạn như, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo đà phát triển trong tương lai.
Chỉ riêng trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, thị trường bán lẻ đã có sức bật rõ nét. Các doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát… có tăng nhẹ nhưng không biến động lớn. Do đó, trong tháng 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng lượng bán hàng. Chính vì vậy, Hapro đã chủ động nguồn hàng hóa dồi dào. Toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty bao gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng, hệ thống chợ, cửa hàng chuyên doanh kim khí, điện máy, thời trang, hệ thống nhà hàng ăn uống, dịch vụ... đều hoạt động xuyên Tết để phục vụ người dân.
Đối với mặt bằng trung tâm thương mại, thị trường cũng đã ghi nhận việc các chủ đầu tư bắt đầu tiến hành cải tạo các bất động sản lỗi thời để tăng khả năng cạnh tranh. Các trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ như Indochina Plaza và 265 Cầu Giấy đều đang được cải tạo để đưa ra thị trường những mặt bằng mới.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ, song song với đó, hiện vẫn rất nhiều trung tâm thương mại đạt được thành công nhất định trong việc thu hút khách thuê, thậm chí khách thuê còn xếp hàng để được giữ chỗ. Có thể kể đến chuỗi trung tâm thương mại Aeon, Lotte hay Vincom Bà Triệu. Thêm vào đó, khách thuê hiện nay có xu hướng ưu tiên mặt bằng tại các trung tâm thương mại được tổ chức bài bản, chuẩn chỉnh để đảm bảo lượng khách hàng nhất định, cũng như bài toán kinh doanh, thay vì lựa chọn nhà phố, vốn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, và tiện ích đỗ xe cho khách đến tham quan mua sắm.
Thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển mạnh hệ thống bán lẻ
Vào cuối tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Nhà nước hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện phát triển thị trường trong nước theo hướng thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia.
Mục tiêu là phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Đối với Hà Nội, trong lĩnh vực thương mại, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành nhiều đề án, chương trình phát triển các kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, máy bán hàng tự động, tổ chức kinh doanh thương mại tại phố đi bộ… Cùng đó, các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại đang ngày càng được đầu tư, phát triển.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao.