Để nông sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào Bắc Âu
Thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Dù vậy, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chủ yếu tập trung vào thị trường Tây Âu truyền thống; trong khi lại chưa khai thác được tiềm năng lớn từ các nước Bắc Âu.
Tiềm năng, dư địa lớn
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland. Đây là các nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại. Dân số tuy ít (khoảng 25 triệu dân) nhưng có mức thu nhập cao. Trong năm 2021, 4/5 nước Bắc Âu nằm trong “top" 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Trong khu vực Bắc Âu, 3 thị trường chính của hàng Việt Nam là Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính vào khu vực gồm: rau, củ, quả, trà, cà phê, gia vị và ngũ cốc.
Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất trong khu vực ASEAN, nhưng thị phần chiếm rất ít, chưa đến 1%. Nguyên nhân một phần là do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Bắc Âu tương đối xa cho nên cước vận chuyển cao, đẩy giá thành lên cao khiến sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh thấp. Mặt khác, Bắc Âu là khu vực đòi hỏi cao không chỉ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đi đầu trong xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất bền vững cho nên việc xuất khẩu nông sản vào các thị trường này cũng không hề dễ dàng.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu vẫn còn dư địa lớn, nhưng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao và khắt khe |
Riêng tại thị trường Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển - cho hay: 4 mặt hàng nông sản gồm cà phê chưa rang, chưa khử caffeine, hạt điều đã bóc vỏ, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ và hạt tiêu nguyên hạt có khá nhiều triển vọng thúc đẩy xuất khẩu.
Với mặt hàng cà phê chưa rang, chưa khử caffein (HS090111), Việt Nam xuất khẩu 2,5 tỷ USD năm 2021. Thụy Điển là nước tiêu thụ cà phê tính trên đầu người đứng thứ 6 thế giới, trung bình 8,2kg/người/năm. Hàng năm, Thụy Điển nhập khẩu 305 triệu USD cà phê nhưng nhập khẩu từ Việt Nam mới khoảng 5,3 triệu USD. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, cung có, cầu có, thuế bằng 0%. Do vậy, theo tính toán của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Thụy Điển còn dư địa khoảng 160 triệu USD.
Bên cạnh đó, với mặt hàng hạt điều đã bóc vỏ, hiện Thụy Điển nhập khẩu khoảng 27 triệu USD/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng nhập khẩu điều của Thụy Điển trong 5 năm qua là 4%/năm nên trong các năm tới thị trường này sẽ nhập khẩu nhiều hơn, dự kiến khoảng 31 triệu USD/năm. Thụy Điển nhập khẩu điều chủ yếu từ Việt Nam và các nước trung gian trong khu vực. Theo tính toán của ITC, Việt Nam có thể cung cấp gần như toàn bộ điều cho thị trường Thụy Điển.
Trong khi đó, theo khảo sát, 3 quốc gia Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đều nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tính trên đầu người cao nhất thế giới năm 2019. Đứng đầu thế giới là Đan Mạch với 344 EUR/người, Thụy Điển đứng thứ 5 với 215 EUR/người và Na Uy đứng thứ 10 với 83 EUR/người. Cụ thể, Đan Mạch có thị phần thực phẩm hữu cơ cao nhất thế giới và thị trường hữu cơ phát triển tốt nhất.
Tận dụng cơ hội từ EVFTA
Dư địa thị trường EU nói chung và thị trường Bắc Âu nói riêng cho nông sản Việt còn khá lớn, song hàng Việt cũng đối mặt không ít thách thức khi muốn tiến sâu hơn vào thị trường này. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam, một trong những thách thức khi xuất khẩu vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng là thuế nhập khẩu cao khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, chi phí, thời gian, cước vận chuyển cũng là những khó khăn lớn cho các nhà xuất khẩu khi so sánh với các nhà cung ứng trong EU.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang đến nhiều lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam khi hầu hết thuế nhập khẩu các loại rau quả, hạt... được xóa bỏ về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình. Do vậy, theo chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Âu.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay: EU quy định rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt chưa có sự xuất hiện thường xuyên, định kỳ để nắm bắt thị trường, các biến động về chính sách, hàng rào kỹ thuật. Một trong những thách thức nổi cộm là Việt Nam đang thiếu thương hiệu nông sản lớn. Nông sản xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng, Bắc Âu nói riêng chủ yếu dựa vào các thương hiệu tại những thị trường này.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hoài Thương - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt - chia sẻ, thị trường Bắc Âu nói riêng và EU nói chung có những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Doanh nghiệp rất cần tư vấn về kỹ thuật, nâng cao năng suất nhà máy. Giải quyết các khó khăn cần sự vào cuộc giúp đỡ của các đơn vị liên quan. Trong đó, vấn đề nan giải khi đẩy mạnh thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào Bắc Âu chính là khoảng cách địa lý xa xôi.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, để tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để có cái nhìn sâu sắc về thị trường nước ngoài, xu hướng sản phẩm và sự cạnh tranh.
Ngoài ra, về vấn đề bảo vệ môi trường, người Bắc Âu đặc biệt quan tâm nên doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến bao bì sản phẩm và nhãn mác. Người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm có bao bì tự nhiên, làm từ vật liệu tái chế và không gây tổn hại đến môi trường; các bao bì và nhãn mác cần hướng tới các tiêu chuẩn cao và bền vững.
Thông tin thêm về điều này tại Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho hay, nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc Âu. Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường. Do vậy, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ dễ dàng được tiêu thụ tại các thị trường Bắc Âu.
Năm 2021, các nước Bắc Âu nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD mặt hàng nông sản, trong đó rau củ quả là 4,8 tỷ USD; trà, cà phê, gia vị là 1,2 tỷ USD; ngũ cốc là 503 triệu USD. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam còn khá nhỏ, cụ thể: nhập khẩu rau củ quả đạt 24,2 triệu USD, trong đó hạt điều chiếm 21,7 triệu USD; trà, cà phê, gia vị là 12 triệu USD. |