Hiệp định EVFTA: Tạo đà phát triển thị trường cho giày dép Việt Nam
Hiệp định EVFTA: Cân bằng lợi ích của Việt Nam và EU Thực thi Hiệp định EVFTA: Sức ép cạnh tranh là thách thức đầu tiên cần vượt qua |
Ưu đãi từ EVFTA
Theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu đối với giày dép Việt Nam cho 37% số dòng thuế ngay khi Hiệp định này có hiệu lực, gồm: Các loại giày chống thấm cao su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép… Hiện, các dòng thuế này đang có mức thuế suất cơ sở từ 3,5 - 17%, Số còn lại, thuế suất cơ sở từ 5 - 17% sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 - 7 năm.
Xuất khẩu giày dép sang EU thêm lợi thế nhờ EVFTA. Ảnh: TTXVN |
Đối với thuế xuất khẩu, trong EVFTA, Việt Nam có cam kết loại bỏ thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu da (bao gồm cả da sống và da thuộc) trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020). Cụ thể, thuế xuất khẩu đối với nhóm hàng này sẽ được cắt giảm dần về 0% từ mức thuế cơ sở hiện nay (1 - 10% tùy từng mã hàng).
Nhận định cơ hội từ EVFTA, bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, về phần điều kiện, nếu như dệt may gặp khó do quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, thì những yêu cầu của EU trong EVFTA lại giúp cho da giày “rộng cửa” hơn. EVFTA cho phép các doanh nghiệp da giày Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.
Mặt khác, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ. Nhờ đó, Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Mặc dù cơ hội phát triển thị trường đang rất lớn, song giày dép xuất khẩu Việt Nam cũng đối diện với những thách thức không nhỏ từ các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU; cùng với đó là các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục để được hưởng lợi thuế FTA cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Như vậy, để tận dụng tối đa mọi lợi thế từ EVFTA để xuất khẩu sang EU, phải tăng tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhằm đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ, đồng thời giúp giảm các chi phí logistics và nâng cao sự chủ động của doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chủ động được nguồn nguyên liệu, có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có sản phẩm đặc trưng, sản xuất được nhiều dòng giày dép phân khúc cao cấp hơn.
Xuất khẩu có xu hướng tăng
Theo Bản tin tháng 10/2023 (Bản tin) của Trung tâm thông tin thương mại, công nghiệp, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), dẫn số liệu thống kê hải quan cho thấy, xuất khẩu giày dép sang EU có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tháng trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU tháng 9/2023 tăng 1,76% so với tháng 8/2023, sang tháng 10/2023 tiếp tục tăng 34,24% so với tháng 9/2023.
Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sang EU 10 tháng năm 2023 vẫn giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,97 tỷ USD. Tỷ trọng về trị giá xuất khẩu giày dép sang EU trong tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần. Tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU chiếm 19,35% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng của Việt Nam sang tất cả các thị trường, sang tháng 9/2023 chiếm 25,3% và tháng 10/2023 là 26,05%.
Trong 5 thị trường lớn khối EU, xuất khẩu giày dép sang Tây Ban Nha liên tục tăng trong 2 tháng trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu giày dép sang thị trường này tháng 9/2023 tăng 6,33% so với tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10/2023 tăng 17,78% so với tháng 9/2023 và tăng 2,57% so với tháng 10/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sang Tây Ban Nha 10 tháng năm 2023 tăng 26,81% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép sang một số thị trường nhỏ trong khối EU như Rumani, Bungari, Manta, Látvia và Slovakia có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt là thị trường Bungari, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang thị trường này tháng 9/2023 tăng tới 145,93% so với tháng 8/2023, sang tháng 10/2023 tiếp tục tăng 43,34% so với tháng 9/2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sang Bungari 10 tháng đầu năm nay dù chỉ chiếm 0,23% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU nhưng cũng tăng 92,59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Bản tin tháng 10/2023 cho biết thêm, thống kê theo số liệu của Trademap, nhập khẩu giày dép của EU có xu hướng tăng nhẹ. Kim ngạch nhập khẩu các loại giày dép (mã HS 64) tháng 7/2023 tăng 9,32% so với tháng 6/2023, sang tháng 8/2023 tiếp tục 0,03% so với tháng 7/2023.
Trung Quốc là nguồn cung nhóm hàng giày dép mã HS 64 lớn nhất của EU. Tuy nhiên, tỷ trọng về kim ngạch nhập khẩu giày dép mã HS 64 của EU từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng của EU từ các nguồn cung trên thế giới 8 tháng đầu năm 2023 đã giảm còn 16,04%, giảm so với mức 20,23% trong 8 tháng đầu năm 2022.
"Việt Nam là nguồn cung các mặt hàng giày dép mã HS 64 lớn thứ hai của EU, chiếm 12,25% tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu các loại giày dép (mã HS 64) của EU 8 tháng đầu năm 2023, tăng so với mức 11,81% trong cùng kỳ năm trước"- Bản tin cho hay.
Đáng chú ý, theo Bản tin, nhằm thúc đẩy thương mại nội khối, EU đang tăng cường nhập khẩu các mặt hàng giày dép từ các quốc gia cùng trong khối EU. Đây chính là những đối thủ cạnh tranh lớn cho giày dép Việt Nam trên thị trường EU vì những quốc gia này có lợi thế về địa lý sẽ giúp giảm chi phí về logistics, lợi thế về thuế xuất khẩu dành riêng cho các quốc gia nội khối.