Khai thác Hiệp định EVFTA: Tăng kết nối quảng bá sản phẩm gỗ Việt Nam tại Hà Lan
Hiệp định EVFTA: Tạo đà phát triển thị trường cho giày dép Việt Nam Hiệp định EVFTA: Tiếp tục thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam-EU |
Hà Lan hiện là một trong các thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong EU. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hà Lan đạt hơn 85 triệu USD, giảm 7,2% so với năm 2021. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình lạm phát tại Hà Lan nói riêng và EU nói chung vẫn ở mức khá cao dẫn đến sức mua tiêu dùng kém, đặc biệt là hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ.
Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 13 cho Hà Lan trong năm 2022, mặc dù lượng nhập khẩu giảm mạnh, nhưng trị giá vẫn tăng do giá nhập khẩu bình quân tăng cao.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ đều là những mặt hàng chính Hà Lan nhập khẩu trong năm 2022, lượng nhập khẩu 2 mặt hàng này chiếm 67,8% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu. Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên tỷ trọng cả về lượng và trị giá những mặt hàng này trong tổng nhập khẩu của Hà Lan vẫn còn thấp. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác tại thị trường này trong thời gian tới.
Sản phẩm gỗ xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Hà Lan. Ảnh: TTXVN |
Như vậy, với việc thực thi Hiệp định EVFTA sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ có thêm lợi thế để khai thác dư địa thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, dự kiến từ tháng 12/2024, Thương vụ Việt Nam tại EU cho biết, quy định của EU về cấm nhập khẩu mặt hàng nông sản, trong đó có ngành gỗ và sản phẩm gỗ, có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, suy thoái rừng sẽ có hiệu lực.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà doanh nghiệp sử dụng.
Theo đó, những quy định mới của Hà Lan về nhập khẩu gỗ nhằm thực thi đạo luật FLEGT (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản), thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc quản lý khai thác gỗ bất hợp pháp tàn phá tài nguyên, ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nhấn mạnh, EU hay Hà Lan đều là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa trong từng ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng, tuân thủ khi xuất khẩu vào thị trường này. Đối với ngành gỗ, việc đáp ứng tiêu chuẩn lại càng hết sức quan trọng nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tiềm năng này.
"Đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn đã khó, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm, thì việc giữ vững sự hiện diện ổn định tại thị trường càng khó hơn. Do vậy, việc tuân thủ quy định là việc doanh nghiệp phải đặt lên hàng đầu khi xuất khẩu vào thị trường Hà Lan, chưa kể ngày càng nhiều tiêu chí xanh, sạch mà các nước thành viện EU đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng bản địa, giảm thiểu tác động đến môi trường"- Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan khuyến nghị.
Được biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất gỗ sang thị trường Hà Lan, kể từ giữa năm 2022, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã hỗ trợ cho Tập đoàn VidaXL - nhà bán lẻ trực tuyến đồ gỗ nội ngoại thất với doanh thu bán hàng năm 2022 đạt khoảng 800 triệu Euro tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Sau gần 1 năm khảo sát thực tế 6 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh, thành miền Nam để chọn địa điểm đặt dự án đầu tư sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất dành cho xuất khẩu, Tập đoàn VidaXL đã chọn Khu công nghiệp VSIP Bình Định để đầu tư nhà máy, hiện đang tiến hành các thủ tục pháp lý để xin cấp phép đầu tư và xây dựng nhà máy.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, theo kế hoạch, dự án của Tập đoàn VidaXL sẽ chia thành 3 giai đoạn đầu tư gồm nhà máy cưa gỗ tròn, nhà máy sản xuất đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối, nhà máy sản xuất ván sợi và nhà máy sản xuất đồ nội thất từ ván sợi.
Thông qua dự án này, Tập đoàn VidaXL có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu khoảng 4 triệu sản phẩm gỗ mỗi năm, thu hút từ 3.000-4.000 lao động. "Kỳ vọng Tập đoàn VidaXL sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang các thị trường xuất khẩu chính của Tập đoàn như EU, Hoa Kỳ và Úc vào cuối năm 2024"- Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho hay.
Về phía Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, nhằm tăng cơ hội hiện diện tại thị trường Hà Lan đối với sản phẩm gỗ, Thương vụ Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thông tin sản phẩm gỗ Việt Nam tới các doanh nghiệp, nhà phân phối sở tại; đồng thời tăng cường thông tin về các triển lãm, hội chợ đồ gỗ và mỹ nghệ tại Việt Nam đến với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến và doanh nghiệp Hà Lan để mời tham dự các hoạt động tại hội chợ, triển lãm qua đó tạo cơ hội giao thương, kết nối sản xuất, xuất khẩu song phương cho các doanh nghiệp hai bên.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan trong 10 tháng năm 2023 đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 8,34 tỷ USD, giảm 3,9% trong khi nhập khẩu từ Hà Lan đạt hơn 555 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2022. |