Việt Nam và EU có cam kết gì về thuế quan đối với rau quả trong Hiệp định EVFTA?
Hiệp định EVFTA: Thêm động lực để hoàn thiện năng lực thể chế Thực thi Hiệp định EVFTA: Sức ép cạnh tranh là thách thức đầu tiên cần vượt qua |
Nhiều ưu đãi thuế quan
Nhận định của giới chuyên gia, cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) là rất lớn vì quy mô thị trường này lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có thể sản xuất được rau, quả quanh năm với các loại rau quả rất đa dạng.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc.
Rau quả Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu sang thị trường EU nhờ EVFTA. Ảnh: TTXVN |
Theo Cẩm nang doanh nghiệp “EVFTA và ngành rau quả Việt Nam”, cam kết về thuế quan đối với các sản phẩm rau quả trong EVFTA được nêu tại Chương 2 – Đối xử và mở cửa thị trường đối với hàng hoá, bao gồm các quy tắc chung liên quan tới thuế quan áp dụng chung cho cả EU và Việt Nam.
Tương tự như bất kỳ FTA nào, cam kế về thuế quan trong EVFTA là cam kết của các bên về mức thuế nhập khẩu tối đa mà bên đó sẽ áp dụng cho từng loại hàng hoá nhập khẩu từ bên kia trong EVFTA. Tuy nhiên, trên thực tế, tuỳ thuộc nhu cầu của mình Việt Nam hoặc EU có thể đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế so với cam kết. Khi đó, mức thuế quan áp dụng trên thực tế có thể sẽ thấp. hơn so với mức cam két trong văn kiện Hiệp định. Do đó, mức cam kết trong EVFTA là mức thuế cao nhất mà Việt Nam hoặc EU có thể áp dụng đối với rau quả của bên kia. Còn mức thuế thực tế áp dụng sẽ thực hiện thao biểu thuế nhập khẩu của mỗi bên.
Trường hợp của Việt Nam, tương tự các FTA khác, biểu thuế quan ưu đãi đặc biệt theo EVFTA được ban hành theo từng giai đoạn. Như, sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã ban hành biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện EVFTA giai đoạn 2020-2022 tại Nghị định 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ. Doanh nghiệp có thể tra cứu mức thuế quan EVFTA áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu của mình trong văn bản này. Đối với EU, doanh nghiệp có thể tra cứu mức thuế quan mà EU áp dụng từng năm đối với từng sản phẩm (thuế MFN), GSP, thuế quan ưu đãi FTA như EVFTA) từ một nước bất kỳ (trong đó có Việt Nam) tại cơ sở dữ liệu về tiếp cận thị trường của EU (Access2Market).
Trong EVFTA, EU cam kết xoá bỏ thuế với các mặt hàng rau quả của Việt Nam theo 4 nhóm: Xoá bỏ tất cả các loại thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực với phần lớn dòng thuế rau quả (514/547 dòng, tương đương 94% tổng số dòng); xoá bỏ thuế tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị hàng hoá (thuế suất X% giá trị lô hàng) ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực nhưng vẫn giữ thuế tuyệt đối với 24/547 dòng thuế rau quả (tương đương khoảng 4% số dòng thuế rau quả, chủ yếu là nhóm trái cây như cam, quý, chanh, nho, mơ, đào và nước nho ép). Cắt giảm thuế dần về 75 Eur/tấn từ năm 2025 trở đi cho 1 dòng thuế có mã HS 08039010 – chuối, trừ chuối lá, tươi. Áp dụng hạn ngạch thuế quan với 3 loại sản phẩm rau quả với mức thuế trong hạn ngạch là 0% như: Tỏi, ngô ngọt, nấm.
Ở chiều ngược lại, trong EVFTA, Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực với 17/286 dòng thuế rau quả - chủ yếu là rau của làm giống từ EU; cắt giảm và xoá bỏ thuế theo lộ trình 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực với 8/286 dòng thuế rau quả, chủ yếu là các loại trái cây như cam, quýt, chanh, lê, táo; cắt giảm và xoá bỏ theo lộ trình 6 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực với 194/286 dòng thuế rau quả; cắt giảm và xoá bỏ thuế theo lộ trình 8 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực với 67/286 dòng thuế rau quả, chủ yếu thuộc Chương 20 (các sản phẩm rau quả chế biến).
Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, Cẩm nang doanh nghiệp “EVFTA và ngành rau quả Việt Nam” thông tin, sản phẩm phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ của EVFTA. Quy tắc xuất xứ và thủ tục xuất xứ của EVFTA được áp dụng chung với cả sản phẩm rau quả từ EU xuất khẩu sang Việt Nam hoặc từ Việt Nam sang EU.
Theo đó, cam kết về xuất xứ trong EVFTA đối với sản phẩm rau quả được quy định tại Nghị định thư 1 - Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quả lý hành chính. Hiện, Việt Nam đã ban hành quy định hướng dẫn về thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá trong EVFTA tại Thông tư số 11/2020/TT-BCR ngày 15/6/2020.
Đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường
Như vậy, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU đang có thuận lợi rất lớn nhờ các cam kết, ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên, thời gian tới, ngoài việc việc nắm rõ các cam kết, ưu đãi về thuế quan, quy định xuất xứ các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của thị trường.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, rau quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp và cả ngành rau, quả Việt Nam. "Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó doanh nghiệp EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây"- ông Nguyên cho biết.
Còn theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, hiện EU đã áp dụng ngày càng chặt chẽ hơn các quy định về xanh và bền vững. Với mặt hàng nông sản, nhất là rau quả các quy định áp dụng lại càng khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật, tìm hiểu kỹ thông tin và có kế hoạch phát triển thị trường một cách bài bản.
Trước rào cản kỹ thuật của thị trường, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cũng khuyến nghị rằng, việc tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định nhập khẩu liên quan là yếu tố quyết định đến xuất khẩu của mặt hàng rau quả Việt Nam sang EU. Theo đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định nhập khẩu liên quan, thường xuyên cập nhật thông tin về các yêu cầu này và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đặc biệt chú trọng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần chủ động lựa chọn các chủng loại rau quả là thế mạnh của Việt Nam, xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất - xuất khẩu rau quả đạt tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP, hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng..., liên kết chặt chẽ với nông dân để sản phẩm được sản xuất ra đáp ứng tốt các quy định của thị trường EU.
Đặc biệt, việc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm rau quả chế biến sang thị trường EU là một trong các giải pháp để giúp khắc phục một số hạn chế của rau quả tươi của Việt Nam do khoảng cách địa lý xa EU và rau quả đã qua chế biến không có nguy cơ nhiễm sâu bệnh hại, vì vậy có thể dễ dàng vượt qua hàng rào kiểm dịch thực vật của EU.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU tăng đều trong 5 năm trở lại đây (2015-2019), lên gần 160 triệu năm 2019. Tuy nhiên, với kim ngạch này, xuất khẩu rau quả sang EU chỉ chiếm chưa đến 4% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Đồng thời, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU cũng chưa tương xứng với nhu cầu khổng lồ đối với rau quả của thị trường này. |