Thúc đẩy thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến thuỷ sản đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU
Ngành thuỷ sản tìm cơ hội phục hồi xuất khẩu những tháng cuối năm Ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, thuỷ sản Việt Nam làm gì để vào thị trường Italia? |
Xuất khẩu thêm lợi thế nhờ EVFTA
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế được áp dụng thuế suất cơ bản từ 0-22% đối với thuỷ sản, trong đó phần lớn các loại thuế cao từ 6-22% sẽ giảm về 0% (khoảng 840 biểu thuế dòng). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ bản từ 5.5-26% sẽ giảm về 0% sau 3-7 năm.
Bên cạnh mặt hàng tôm, cá tra đông lạnh được hưởng lợi từ EVFTA, một số mặt hàng chế biến có thuế suất cơ bản cao (20%) cũng sẽ giảm ngay về 0% như hàu, sò điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, bào ngư...; hầu hết các mặt hàng mực, bạch tuộc đông lạnh có mức thuế cơ bản từ 6 – 8% sẽ giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi giảm từ 14,2% xuống 0%, cá kiếm từ 7,5% xuống còn 0%...
Thuỷ sản xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt. Ảnh: TTXVN |
Theo Bản tin xuất khẩu thuỷ sản sang EU 10 tháng 2023 do Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong tháng 10/2023 đạt 78,25 triệu USD, tăng 2,63% so với tháng trước đó và giảm 21,71% so với cùng tháng năm trước.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tổng 788,67 triệu USD mặt hàng thủy sản, giảm 30,71% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU chiếm 9,71% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của nước ta và chiếm 1,99% tổng kim ngạch hàng hoá của nước ta xuất khẩu sang EU.
Đức hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 16,35 triệu USD vào tháng 10/2023, giảm 8,38% so với tháng trước đó và giảm 16,94% so với cùng tháng năm trước. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Đức tổng 156,24 triệu USD mặt hàng thuỷ sản, giảm 28,57% so với cùng kỳ 2022, chiếm tỷ trọng 19,81% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của nước ta sang thị trường EU, cao hơn mức, tỷ trọng 19,22% của cùng kỳ 2022.
Đứng đầu trong nhóm chủng loại thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU 10 tháng đầu năm 2023 là mặt hàng tôm (mã HS 030617) với kim ngạch trong tháng 10/2023 đạt 23,67 triệu USD, tăng 4,42% so với tháng trước đó và giảm 9,56% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang EU tổng 194,95 triệu USD mặt hàng tôm, giảm 42,68% so với cùng kỳ 2022, chiếm tỷ trọng 24,27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của nước ta sang EU, thấp hơn mức tỷ trọng 29,88% của cùng kỳ 2022.
Đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường
Với các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuỷ sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế để tiếp cận thị trường EU trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, các yêu cầu đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể, để xuất khẩu được thuỷ sản sang EU, nước xuất khẩu cần được cơ quan có thẩm quyền EU công nhận. Vì thế nước xuất khẩu cần có quy định và năng lực để đảm bảo rằng thuỷ sản sản xuất đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của EU và không gây ra mối đe doạ cho người tiêu dùng EU. Hiện, các quy định của EU về vệ sinh thực phẩm bao gồm tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến phân phối và đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, các quy định về ghi nhãn phải được tuân thủ nghiêm ngặt; đặc biệt thuỷ sản phải có nguồn gốc hợp pháp, trong đó EU quy định ngăn chặn, loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) có hiệu lực từ 1/1/2010. Tiếp theo, các lô hàng nhập khẩu đều phải qua trạm kiểm tra biên giới, nếu các lô hàng bị phát hiện không tuân thủ pháp luật của EU sẽ bị tiêu huỷ hoặc trong những điều kiện nhất định sẽ gửi lại trong vòng 60 ngày. Ngoài ra, công ty xuất khẩu có thể bị phong toả.
Đáng chú ý, các quy định về an toàn thực phẩm của Ủy ban châu Âu được coi là một trong những tiêu chuẩn pháp lý nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, hầu hết người EU sẽ có các yêu cầu bổ sung về an toàn thực phẩm. Theo đó, nhà nhập khẩu EU sẽ yêu cầu cơ sở của người xuất khẩu phải được chứng nhận bởi bên thứ ba, các tiêu chuẩn được yêu cầu phổ biến nhất là Hiệp hội bán lẻ Anh (BRC) và Tiêu chuẩn nổi bật quốc tế (IFS).
Trước các hàng rào kỹ thuật khắt khe của thị trường, để thủy sản Việt Nam có thể "bám rễ" tại thị trường EU, theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến nghị, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn phải tuân thủ rất nhiều các quy định của thị trường, nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến thủy sản. Bên cạnh đó, cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung như chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tuân thủ xã hội, chứng nhận bền vững, các yêu cầu đối với thị trường ngách. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý dán nhãn với thông tin chính xác.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, như: Thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu, kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.