Hiệp định EVFTA: Tiếp tục thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam-EU
Hiệp định EVFTA: Thêm động lực để hoàn thiện năng lực thể chế Hiệp định EVFTA: Tạo đà phát triển thị trường cho giày dép Việt Nam |
Ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, đưa Việt Nam là một nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký Hiệp định thương mại tự do với EU. Hiệp ký kết được hai bên kỳ vọng tạo ra một động lực để phát triển quan hệ tổng thể giữa hai bên, và đây cũng là một trong những hiệp định đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển để thiết lập nên một chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Dệt may một trong các mặt hàng xuất khẩu có nhiều ưu đãi từ EVFTA để thúc đẩy xuât khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN |
Theo một khảo sát của VCCI mới đây, có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau Hiệp định này, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện. Cứ 10 doanh nghiệp khảo sát thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Động lực, lợi ích từ EVFTA có lẽ là đủ lớn để thu hút sự quan tâm tìm hiểu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) còn cho thấy, có tới gần 41% doanh nghiệp tham gia Khảo sát cho biết đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Trong số này, lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (với 40-42% doanh nghiệp). Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Phương – Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng đã đánh giá, so với các FTA khác, thì cho tới nay, EVFTA là hiệp định đang có tỷ lệ tận dụng ưu đãi khả quan nhất.
Về kim ngạch thương mại, trong tổng thể cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động làm giảm thương mại chung toàn cầu và EU nhưng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã có bước tăng lên và Việt Nam hiện nay là nước có thị phần lớn nhất so với các nước ASEAN khác xuất khẩu vào EU. Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, hai bên nhìn nhận đây là một hiệp định về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra trong việc thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai nước.
Tại Ấn phẩm thương mại hai chiều Viêt Nam-EU 10 tháng 2023 do Vụ Chính sách thương mại đa biên thực hiện dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 4,98 tỷ USD, tăng 2,38% so với tháng trước nhưng giảm gần 6% so với tháng 10/2022, nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thị trường EU trong 10 tháng đầu năm 2023 lên 48,46 tỷ USD, giảm 7,41% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 10/2023, Việt Nam xuất siêu sang EU 2,5 tỷ USD, cao hơn so với mức xuất siêu 2,15 tỷ USD trong tháng 9/2023 nhưng vẫn thấp hơn mức 2,76 tỷ USD trong tháng 10/2022. Tính chung trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang EU 23,96 tỷ USD, giảm mạnh so với mức xuất siêu 27,03 tỷ USD cùng kỳ năm trước
Cũng trong trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,74 tỷ USD, tăng 6,55% so với tháng trước và giảm 7,21% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 36,3 tỷ USD, giảm 8,74% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,46% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giảm so với mức tỷ trọng chiếm 12,69% cùng kỳ năm trước. Xét trong khối các thị trường có FTA với Việt Nam (như CPTPP, RCEP, UKVFTA hay EAEU), xuất khẩu sang khối thị trường EU (Hiệp định EVFTA) có kim ngạch giảm mạnh nhất.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên đánh giá, trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực trong khối EU như Hà Lan, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Pháp hay Bỉ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu so với tháng 10/2022, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trong số này đều giảm (ngoại trừ Hà Lan và Tây Ban Nha).
Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực của EU giảm hai chữ số so với cùng kỳ năm trước như Đức (giảm 18,8%); Pháp (giảm 16,34%); Thụy Điển (giảm 26,72%); Bỉ (giảm 21,31%)... Trong đó, Đức và Hà Lan - hai thị trường cửa ngõ quan trọng hàng đầu EU tiếp tục đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm 45,2% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu thụ suy yếu khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng sang EU sụt giảm đáng kể, như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (giảm 2,97%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 17,56%); gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 35,64%); hàng thủy sản (giảm 32,41%); giày dép các loại (giảm 19,64%); hàng dệt, may (giảm 14,19%)…
Đáng chú ý, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, mặc dù quy mô còn hạn chế nhưng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam sang EU trong 10 tháng qua ghi nhận những tín hiệu rất tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 29,17%; xuất khẩu gạo tăng 58,41% và xuất khẩu chè tăng 72,58%. Ngoài ra, một trong những điểm sáng nhất trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU là xu hướng tăng tốc nhanh của xuất khẩu sắt thép các loại. Tính chung trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang EU chiếm 23,98%, cao hơn so với mức tỷ trọng chiếm 19,28% cùng kỳ năm trước.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN (thương mại hai chiều năm 2022 đạt 62,4 tỷ USD). EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam với 2.535 dự án đang hoạt động với vốn đăng ký hơn 29 tỷ USD tính đến tháng 9/2023.
Tai cuộc tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovski thăm, làm việc tại Việt Nam, ngày 2/11/2023, để triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực…
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới EU thúc đẩy triển khai hiệu quả và hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi Hiệp định EVFTA; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU, nhất là hàng nông thủy sản, trong đó EU hỗ trợ hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn cao của EU, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sớm đạt mốc 100 tỷ USD.