Hiệp định EVFTA có hiệu lực: EU quy định gì đối với sản phẩm gia vị nhập khẩu?
Thực thi Hiệp định EVFTA: Sức ép cạnh tranh là thách thức đầu tiên cần vượt qua Thực thi Hiệp định EVFTA: Tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ nhu cầu của doanh nghiệp |
Nhu cầu nhập khẩu lớn
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu và các cam kết tiêu chuẩn cao, EVFTA được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, nhấ là trong lĩnh vực xuất khẩu.
Đặc biệt, với việc EVFTA có hiệu lực, ngành gia vị có nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang EU – một trong những thị trường nhập khẩu gia vị lớn nhất thế giới.
EVFTA có hiệu lực, ngành gia vị Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang EU. Ảnh: TTXVN |
Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi ích từ các FTA trong đó có EVFTA, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã biên soạn “Sổ tay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng EVFTA để tăng cường xuất khẩu gia vị Việt Nam sang EU” với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam”.
"Sổ tay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng EVFTA để tăng cường xuất khẩu gia vị Việt Nam sang EU” (Sổ tay) tóm tắt và diễn giải chi tiết, đầy đủ các cam kết EVFTA liên quan đến ngành gia vị, từ đó phân tích các cơ hội và thách thức từ các cam kết này và đưa ra các khuyến nghị cụ thể, thiết thực cho ngành gia vị Việt Nam.
Theo Sổ tay, EU là khu vực có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm gia vị, tuy nhiên hoạt động trồng trọt và sản xuất gia vị ở EU lại tương đối hạn chế. Bulgaria, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Hungary là các quốc gia sản xuất gia vị nhiều nhất tại khu vực này.
Tuy nhiên, sản lượng gia vị sản xuất của các quốc gia này đã có sự sụt giảm đáng kể trong những năm trở lại đây. Do đó, nhu cầu nhập khẩu gia vị của EU từ các quốc gia ngoại khối cũng ngày một tăng lên. Ssố liệu thống kê của ITC Trademap, con số này đã tăng từ 2,41 tỷ USD năm 2015 lên 3,03 tỷ USD vào năm 2021.
Ngoài ra, EU cũng được biết đến là khu vực nhập khẩu nhiều gia vị nhất khi chiếm gần 1/4 tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của thế giới (năm 2021). Về cơ cấu sản phẩm nhập khẩu, EU nhập khẩu đa dạng các loại gia vị, trong đó nhiều nhất là gừng, hạt tiêu, ớt bột, vani… Với sự bùng phát đại dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây, EU đang có nhu cầu nhiều hơn trong việc nhập khẩu các loại gia vị hỗ trợ tăng khả năng miễn dịch như gừng, nghệ, tỏi…
Về thị trường nhập khẩu, đa số các sản phẩm gia vị nhập khẩu của EU đến từ các quốc gia đang phát triển. Theo số liệu của Eurostat, gừng và ớt bột được EU nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (lần lượt chiếm 68% và 69% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU), còn hạt tiêu được nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam (chiếm 45%) và Brazil (32%).
Một số quy định của thị trường với hàng hoá nhập khẩu
Ngoài thủ tục hải quan, Sổ tay nêu rõ, hầu hết các quy định nhập khẩu bắt buộc của EU đối với các sản phẩm gia vị đều liên quan đến an toàn thực phẩm. Luật Thực phẩm chung (General Food Law) của EU quy định khung pháp lý về an toàn thực phẩm tại EU. Luật này dựa trên cách tiếp cận “từ trang trại đến bàn ăn”, điều này có nghĩa là tất cả các thực phẩm phải truy xuất được nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Một số quy định về an toàn thực phẩm quan trọng nhất đối với gia vị nhập khẩu của EU doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý:
Quy định về kiểm soát các chất gây ô nhiễm. Các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm có thể xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển hay bảo quản… Các quy định phổ biến nhất về chất gây ô nhiễm có trong gia vị thường liên quan đến nhiễm khuẩn các vi sinh vật gây hại, độc tố nấm mốc, kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Độc tố nấm mốc: Phần lớn các loại gia vị bị từ chối khi nhập khẩu vào EU là do nhiễm các loại độc tố nấm mốc. Nấm mốc (Mycotoxins) là các chất độc hại do nấm sinh ra, chúng có thể tiếp tục tồn tại thậm chí cả khi sản phẩm đã qua xử lý nhiệt. Các loại độc tố nấm mốc phổ biến nhất trong các loại gia vị là Aflatoxins và Ochratoxin A. Vì vậy, EU đã thiết lập mức giới hạn đối với các loại nấm mốc này nhằm hạn chế các tác hại mà chúng có thể gây ra cho người tiêu dùng. Nhiễm khuẩn các vi sinh vật gây hại: Gia vị chứa các vi sinh vật gây hại cũng bị từ chối nhập khẩu vào EU. Salmonella là loại vi sinh vật phổ biến nhất có trong gia vị.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL): EU đặt ra mức tối đa đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong các sản phẩm gia vị nhập khẩu, nếu vượt mức này, sản phẩm gia vị sẽ không được phép tiếp cận thị trường EU. Năm 2020, EU bắt đầu thực hiện Kế hoạch “Thỏa thuận xanh Châu Âu”, trong đó có mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu. Như vậy, EU có thể sẽ cấm thêm nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật và giảm mức MRL được phép trong những năm tới.
Chiếu xạ: Chiếu xạ đối với các sản phẩm gia vị không thường xuyên được sử dụng nhưng được EU cho phép như một cách để khử khuẩn. Thực phẩm nói chung và gia vị nói riêng khi chiếu xạ phải được dán nhãn. Trên thực tế, người tiêu dùng châu Âu không thích các thực phẩm chiếu xạ và luôn yêu cầu kiểm tra ô nhiễm phóng xạ đối với các sản phẩm này.
Quy định về kiểm dịch thực vật: Để bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng khỏi các nguy cơ dịch hại và sâu bệnh, EU đặt ra quy định về kiểm dịch đối với thực vật và các sản phẩm từ thực vật. Các sản phẩm thuộc diện kiểm dịch phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất khẩu trước khi xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm gia vị nhập khẩu vào EU không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch trừ một số loại gia vị tươi như tỏi hoặc gừng.
Quy định về thành phần của sản phẩm: Gia vị thường được sử dụng để làm tăng hương vị và màu sắc cho thực phẩm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiều loại phụ gia cũng được sử dụng để làm tăng màu sắc và hương vị cho gia vị. Tuy nhiên, EU sẽ có thể từ chối các sản phẩm gia vị nếu chúng có các thành phần phụ gia không được khai báo hoặc vượt quá định mức cho phép.
Quy định về bao bì và ghi nhãn: Quy định về bao bì đóng gói an toàn và thân thiện với môi trường Bao bì của gia vị nhập khẩu vào EU phải phù hợp với quy định của EU về trọng lượng và kích thước, phải an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Bao bì đóng gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (như lon, lọ) phải tuân thủ các điều khoản kiểm soát sức khỏe cụ thể, đảm bảo không chuyển thành phần gây hại từ bao bì sang thực phẩm, không làm thay đổi thành phần hoặc mùi vị của thực phẩm…