Chủ động ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường châu Âu
Thực thi Hiệp định CPTPP, tránh bất lợi về điều tra phòng vệ thương mại | |
Phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu: Không để “nước đến chân mới nhảy” |
Thách thức lớn
Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Theo đó, với mức độ cắt giảm thuế quan sâu, thị trường châu Âu đang rộng mở đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Nhưng ở chiều ngược lại nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) cũng sẽ tăng cao để bảo vệ ngành sản xuất mỗi nước, do đó hàng hoá Việt Nam sẽ phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ của thị trường.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng |
Trong năm 2021, EU không điều tra cũng như áp dụng biện pháp PVTM mới nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song EU vốn là một thị trường có hệ thống pháp luật về PVTM đầy đủ và thường xuyên tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM theo yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, vì thế khi việc thực thi Hiệp định EVFTA kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng sẽ tăng số lượng vụ việc PVTM giữa hai bên trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên, Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương - ông Chu Thắng Trung cho biết, việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cũng như cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.
Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính.
Thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định EVFTA để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà các Hiệp định mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Theo Cục PVTM, Bộ Công Thương, các biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước.
Nắm rõ quy định
Trong Hiệp định EVFTA, chương về các biện pháp PVTM bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ PVTM truyền thống trong WTO. Về cơ bản, nội dung PVTM dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của ta, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.
Tuy vậy, điểm mới về PVTM trong EVFTA mà các doanh nghiệp, ngành hàng cần phải nắm rõ, đó là Hiệp định bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
EVFTA còn quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này).
Ngoài ra, EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước. Theo đó, Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.
Hiện tại, ông Chu Thắng Trung cho biết, Việt Nam đã có một hệ thống quy định pháp luật về PVTM phù hợp với quy định của WTO, thông lệ quốc tế để tiến hành khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thực thi các Hiệp định EVFTA.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng. Chủ động làm việc, phối hợp, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp.
Ông Chu Thắng Trung nêu rõ, các nỗ lực của Bộ Công Thương về PVTM đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.