Cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao Nậm Khắt
Dòng sáng Thác Bà trên vùng cao Yên Bái Nét độc đáo bánh chưng đen ngày tết của người Yên Bái |
Nậm Khắt là xã thuộc huyện vùng cao Mù Cang Chải - huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Nơi đây vốn là vùng đất khó với địa hình đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Nhằm mang lại sự đổi thay cho vùng đất khắc nghiệt này, những năm gần đây, Nậm Khắt đã chủ động, tích cực đưa các giống cây trồng mới vào trồng trọt.
Trong đó, mầm đá là một loại rau thuộc họ rau cải, ưa khí hậu lạnh, có khả năng chịu khí hậu rét đậm, rét hại. Trước đây, loại cây này chỉ trồng tại Sa Pa (Lào Cai). Nhận thấy thời tiết, khí hậu của Mù Cang Chải có những nét khá tương đồng với Sa Pa nên từ năm 2021, một số hộ dân trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này.
Thu hoạch rau cải mầm đá (Ảnh: Kim Chiến) |
Cuối năm 2021, Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải đã đưa cây mầm đá vào trồng thử nghiệm tại xã Nậm Khắt. Toàn bộ diện tích trồng thử nghiệm phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy đây là mô hình cần được nhân rộng, năm 2022, hợp tác xã đã đưa vào trồng 4 ha rau mầm đá.
Bên cạnh điều kiện thời tiết thuận lợi, hợp tác xã cũng áp dụng thêm một số kỹ thuật để rau cải mầm đá đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất như: Tăng cường bón phân chuồng; sử dụng thuốc chống nấm để ngăn ngừa bệnh cho cây; bổ sung đạm, tăng lân và kali để cây cứng cáp, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với các loại bệnh gây hại cho rau.
Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải cho biết: Qua một năm đưa vào thử nghiệm, đến nay, hợp tác xã đã nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng loại rau này. Từ đó, liên kết với người dân địa phương mở rộng diện tích trồng. Năm nay, sản lượng thu hoạch rau mầm đá khá tốt, mỗi vụ đạt 30 tấn/ha, chủ yếu xuất bán cho các tỉnh lân cận như: Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội... với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/kg. Để thực hiện dự án trồng cây mầm đá tại Nậm Khắt, Hợp tác xã Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải đã thuê đất trồng lúa của người dân với giá 40 triệu đồng/ha/năm. Hiện hợp tác xã đang tiếp tục trồng thêm nấm hương và nấm dược liệu nhằm tăng thêm thu nhập cho xã viên.
Rau được tập kết và cung cấp cho thương lái trong và ngoài tỉnh (Ảnh: Thanh Chi) |
Thông qua các hợp tác xã, Nậm Khắt đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, những cánh đồng vốn chỉ trồng lúa một vụ kém hiệu quả đã trở thành những cánh đồng cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đây là hướng đi mới, cách làm năng động trong chuyển hướng tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Qua đó, mang lại hiệu quả bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng rau cải mầm đá, trồng hoa trên những diện tích lúa một vụ kém hiệu quả và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn toàn huyện. Dự kiến trước mắt sẽ nhân rộng giống cây rau cải mầm đá cho các hộ đồng bào ở xã Nậm Khắt và Púng Luông – nơi có điều kiện thời tiết, khí hậu đặc biệt phù hợp với phát triển cây cải này; tiếp tục đưa thêm một số giống rau đặc sản để canh tác đủ các vụ trong năm. Đồng thời, mở rộng diện tích sang các thôn, xã khác, tạo thành vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa, đánh thức tiềm năng cho Mù Cang Chải trong phát triển nông nghiệp bền vững theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Du lịch ở Mù Cang Chải ngày càng phát triển, rau mầm đá ở Nậm Khắt cũng được nhiều du khách mua về làm quà. Đây là cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao nơi đây. |