Việt Nam - Italy: Nắm vững thị trường để mở rộng hợp tác
5 lý do thúc đẩy doanh nghiệp Italy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam Cơ hội mới cho tăng cường hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam-Italy |
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Italy gồm máy móc, thiết bị, điện thoại, linh kiện, máy vi tính và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, càphê, dệt may, thủy sản.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, 50 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Italy đã phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả lĩnh vực.
Đặc biệt, Italy hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh EU (EU27), chỉ đứng sau Hà Lan, Đức.
Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối ASEAN với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm.
Bởi vậy, chuyến thăm chính thức Italy của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.
Thị trường tiềm năng
Việt Nam và Italy có rất nhiều điểm tương đồng không chỉ địa lý, tình cảm, giá trị gia đình, cộng đồng, ẩm thực, văn hóa mà còn về cơ cấu kinh tế với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền kinh tế hai nước cũng có tính tương đồng và bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng cũng như sản phẩm.
Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italy đạt 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Italy năm 2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Italy 1,7 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2021.
4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu giảm 3%.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Italy gồm máy móc, thiết bị, điện thoại, linh kiện, máy vi tính và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, càphê, dệt may, thủy sản...
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chính từ Italy máy móc thiết bị cơ khí, nhựa và các sản phẩm nhựa, dược phẩm, tủ bàn ghế, phụ kiện dệt may, đồ uống, rượu, giấm.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cũng chỉ ra những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Italy là hạt điều bóc vỏ, cà phê, hạt tiêu, điện thoại và linh kiện, giày dép...
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để sản phẩm phát triển tại thị trường Italy như thủy sản, rau củ, trái cây, quế, hoa hồi, dệt may, động cơ điện, điện thoại, linh kiện mật ong, dệt may, dụng cụ y tế (khẩu trang, gang tay, đồ bảo hộ, máy thở…), dược phẩm, máy móc thiết bị và phụ tùng, đồ gỗ...
Ngoài ra, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực dệt may, da giày, khai thác đá, năng lượng... và thành lập Trung tâm công nghệ dệt Việt-Italy, Trung tâm công nghệ giày Việt-Italy, Trung tâm đào tạo công nghệ khai thác đá Việt-Italy. Qua đó đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2019, Việt Nam-Italy đã ký biên bản hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển kinh tế Italy trong lĩnh vực năng lượng nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác ở nhiều mảng năng lượng khác nhau.
Hiện tại, phía Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục nội bộ để ký gia hạn Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng với Italy, dự kiến trong Khóa họp VIII của Ủy ban hỗn hợp.
Hai bên cũng tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các lô dầu khí tại mỏ Kèn Bầu do tập đoàn Eni tham gia; Tập đoàn Eni của Italy đã có nhiều đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác các lô dầu khí và đã đạt được kết quả tích cực bước đầu. Phía Italy và Tập đoàn Eni cũng mong muốn mở rộng hợp tác sang các mảng năng lượng khác như lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo.
Trụ sở của Tập đoàn Eni của Italy. (Nguồn: Reuters) |
Trong khuôn khổ triển khai Đối tác chiến lược, năm 2014 Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Kinh tế Italy đã ký Thỏa thuận thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế nhằm phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Kể từ năm 2014 đến nay, hai bên đã tổ chức thành công 7 khóa họp, đề xuất nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông, xây dựng, văn hóa du lịch, tài chính ngân hàng... Nhờ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước những năm gần đây tăng nhanh.
Theo biên bản khóa họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ VII, khóa họp lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Italy và phía bạn đề xuất tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2023, tại Rome. Do đó, Việt Nam và Italy đang tích cực trao đổi và xây dựng nội dung khóa họp.
Tận dụng lợi thế
Trong khuôn khổ buổi tiếp Ngài Antonio Alessandro, Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao quan hệ song phương giữa Việt Nam và Italy về kinh tế, thương mại, đầu tư và khẳng định hai nước còn nhiều tiềm năng cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực từ tháng 8/2020 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Italy đã có mức tăng trưởng rất tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Antonio Alessandro cũng trao đổi cụ thể về các nội dung hai bên quan tâm như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo và LNG cũng như giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển thương mại đầu tư song phương.
Khẳng định vai trò cầu nối, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh thông tin cho doanh nghiệp, Thương vụ tiếp tục xuất bản Newsletter điện tử hàng tháng và phối hợp với Phòng Thương mại Torino dịch sang tiếng Italy.
Bản tin đề cập đến hoạt động thương mại, đầu tư, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về quy định trong EVFTA, ngành hàng cụ thể và cơ hội hợp tác giao thương giữa doanh nghiệp.
Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tìm hiểu, đàm phán và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư giữa doanh nghiệp của 2 nước, Thương vụ cho biết có thể hỗ trợ về vĩ mô và vi mô liên quan đến từng doanh nghiệp.
Mặt khác, Thương vụ còn triển khai nghiên cứu theo từng mảng thị trường lĩnh vực ngành hàng, xuất bản sách nghiên cứu về thị trường Italy, Cyprus, Malta, Sanmarino và Vatican để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, thường xuyên tham dự các hội nghị, diễn đàn, hội chợ nhằm tạo cơ hội tiếp xúc, giao thương giữa 2 bên; đẩy mạnh tiếp xúc doanh nghiệp, thăm nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các công ty Italy để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thủy sản là một trong những mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang Italy. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn tại thị trường này cần tìm hiểu kỹ thị trường, phong tục, tập quán kinh doanh của đối tác để đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể.
Bên cạnh việc tìm đúng đại lý, nhà phân phối hoặc đối tác kinh doanh, Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng lưu ý rằng: Doanh nghiệp Italy đánh giá cao việc trả lời nhanh chóng thư và câu hỏi của họ. Hơn nữa, tiếng Italy là ngôn ngữ chính thức nên việc trao đổi thư từ với công ty, nhất là những lần liên hệ ban đầu nên được ưu tiên bằng tiếng Italy.
Mặt khác, thói quen kinh doanh dựa vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như tại Đức, Séc, Romania sẽ không hiệu quả với thị trường Italy. Các tập đoàn lớn nên mở riêng hoặc chung văn phòng đại diện tại Rome hoặc Milan và tham gia nhiều hơn vào việc giao tiếp với đối tác Italy.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng trong việc ký kết hợp đồng và sử dụng phương thức thanh toán an toàn. Bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xác minh thông tin đối tác.
Để thu hút và tạo điều kiện cho nhà đầu tư Italy triển khai chương trình hợp tác tại Việt Nam, doanh nghiệp và đơn vị liên quan cần hỗ trợ và trả lời nhanh chóng yêu cầu phía bạn muốn tìm hiểu. Cùng đó, xử lý vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư - liên doanh của đối tác Italy tại Việt Nam.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, máy móc, Bộ Công Thương đề nghị Italy hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh những ngành mà quốc gia này có thế mạnh. Chẳng hạn như công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, trong khuôn khổ triển khai hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương cũng đề nghị Italy tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật quy định của EU nói chung và Italy nói riêng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Cùng đó là những vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng; hỗ trợ thiết lập mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc từ sản xuất đến tiêu thụ với một số sản phẩm nông lâm nghiệp chính.
Đặc biệt, Bộ Công Thương khuyến khích Italy đầu tư vào chế biến nông sản, thực phẩm, thiết kế thời trang, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, qua đó mở rộng cơ hội giao thương cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển./.