Thu hút đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long bội thu vốn FDI
Thu hút đầu tư tăng vượt trội
Thời gian gần đây, hoạt động thu hút đầu tư ở ĐBSCL có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án lớn với mức vốn lớn hàng tỷ USD đã đầu tư vào vùng tạo hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
ĐBSCL trung tâm thu hút đầu tư vào ngành năng lượng |
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính chung vốn cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng/2021 đạt 12,25 tỉ USD. Trong đó tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI mới, với 3,3 tỉ USD; thứ hai là TP Cần Thơ với 1,3 tỉ USD, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ ba với 1,1 tỉ USD.
Trong các vùng kinh tế của cả nước, dù không có lợi thế so với vùng Đông Nam Bộ, nhưng ĐBSCL đang là điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư, đặc biệt là ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng.
Nếu năm 2020, tỉnh Bạc Liêu vượt lên vị trí thứ 3 của vùng ĐBSCL về thu hút vốn FDI, với Dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vốn 4 tỉ USD thì trong 4 tháng/ 2011 Long An có thêm 1 dự án FDI mới, vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (vốn Singapore); TP Cần Thơ có Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (vốn Nhật Bản) trên 1,31 tỉ USD... Đây là những dự án vốn FDI “khủng” đầu tư vào vùng ĐBSCL hứa hẹn tạo sức phát triển mới trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của vùng.
Vùng ĐBSCL cũng đang có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước chú ý tìm hiểu đầu tư, nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa cũng được các địa phương đưa vào kế hoạch mời gọi đầu tư cho giai đoạn 2021- 2025, nhằm tạo động lực bứt phá cho vùng - Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp- Chuyên gia kinh tế đánh giá.
Trung tâm thu hút đầu tư vào ngành năng lượng
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến năm 2035, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có trên 68.600MW tiềm năng điện gió và hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời. Các dự án điện đang quy hoạch tại ĐBSCL, nếu triển khai tốt sẽ là nơi cung cấp điện cho các vùng, miền khác.
Trung bình hàng năm ĐBSCL nhận 2.200 - 2.500 giờ nắng nên tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời rất lớn. Tận dụng nắng, gió trước biến đổi khí hậu, các tỉnh ĐBSCL phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, vùng này có đường bờ biển và các hải đảo với chiều dài khoảng 700km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000km2, điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6 m/giây ở độ cao 80m nên có tiềm năng khai thác năng lượng gió đạt từ 1.200 - 1.500 MW.
Trong thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài để ngỏ khả năng muốn đầu tư các dự án lớn vào ngành năng lượng của vùng ĐBSCL.
Cụ thể, mới đây Công ty thuộc Tập đoàn Millennium của Hoa Kỳ muốn đầu tư dự án điện khí ở tỉnh Sóc Trăng với công suất 9.600 MW, lớn gấp 3 lần quy mô dự án nhà máy LNG tại Bạc Liêu được cấp phép vào năm ngoái. Công ty cam kết sẽ sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, công ty đề nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 200ha đất và các thủ tục pháp lý cần thiết. Về phía tỉnh thống nhất cao với dự án và nếu công ty chọn để đầu tư thì tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện và hỗ trợ các thủ tục để triển khai dự án.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng đã quy hoạch 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.435MW. Các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10/2021 đưa vào vận hành 8 dự án, còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 - 2023. Tỉnh cùng với nhà đầu tư đang triển khai các đường dây truyền tải điện để phục vụ các dự án điện gió, điện mặt trời.
Tại tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thi công 9 dự án điện gió với tổng công suất 562MW, đang kiến nghị xin bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 9.140,6MW để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD được cấp phép năm ngoái cũng đang được gấp rút triển khai.
Tại Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang các dự án điện gió ven biển, điện gió ngoài khơi cũng đang được gấp rút triển khai thực hiện. Tại An Giang, đang có 10 dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 780MWp. Riêng tỉnh Cà Mau, theo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm nhiệt điện khí của cả nước. Từ khi vận hành vào tháng 5/2007 đến nay, những Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 đã cung cấp 84 tỉ kWh điện, tổng doanh thu đạt hơn 117.000 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 2.900 tỉ đồng. Cà Mau cũng triển khai thêm 2 dự án nhiệt điện khí mới là Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 3, công suất 1.500MW
Với tiềm năng phát triển, thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL, Chính phủ đã, đang và sẽ dành sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn 2021- 2025. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016- 2020. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như: Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… để triển khai các công trình dự án đạt khoảng 121.600 tỷ đồng. Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Chính phủ xác định bổ sung 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021- 2025 cho toàn vùng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để vùng phát triển hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư.