Khơi thông "mạch máu" logistics: Củng cố tiềm lực doanh nghiệp
Cảng container chuyên dụng tại Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Doanh nghiệp logistics Thành phố Hồ Chí Minh có ưu thế về hoạt động nội địa, chủ yếu cung cấp dịch vụ logistics giản đơn (2 PL), đóng vai trò như vệ tinh cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3 PL, 4 PL) của nước ngoài.
Khó khăn cơ bản của doanh nghiệp logistics Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là quy mô nhỏ và vừa nên thường gặp thách thức về vốn đầu tư và đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thiếu nguồn lực
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp, trong đó 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), 90% thị phần khai thác cảng biển thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Tương tự, gần 100% thị phần vận tải đường bộ và khai báo hải quan cũng như cung cấp kho, dịch vụ kho thuộc về các doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics điện tử (e-logistics) đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới... để gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đang cạnh tranh trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực giỏi, do sức hút của doanh nghiệp nước ngoài hoặc nhiều người tự tách riêng ra thành lập công ty riêng nhỏ. Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn website doanh nghiệp logistics Thành phố Hồ Chí Minh thiếu những tiện ích mà khách hàng cần dùng như công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi chứng từ, xem lịch tàu, e-booking...
Với thực trạng nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam càng khó thực hiện mục tiêu trở thành các doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh thị phần với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo thống kê, hơn 50% doanh nghiệp logistics tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp còn yếu nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại còn chưa đúng mức, phần lớn doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ.
Điều này càng đặt ra yêu cầu nhiều doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam phải thay đổi và "chuyển mình" theo xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành, chuyên nghiệp hóa mô hình quản trị.
Container chứa hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải tăng cường liên kết và tận dụng thế mạnh của nhau để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh khép kín.
Việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như thiếu tính kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics đã làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp bị hạn chế ngay trên chính sân chơi của chính mình khi chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics của hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ 1 ngành hoặc 1 vùng kinh tế.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA, cho rằng dù là một ngành nhiều tiềm năng nhưng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế.
Trong khi đó, logistics hiện đại trên thế giới hiện nay đã phát triển đến loại hình 4PL (chuỗi logistics) và 5PL (e-logistics, logistics trên nền thương mại điện tử). Có thể thấy, đây là cơ hội để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nắm bắt xu hướng, mở rộng hợp tác quốc tế.
Chậm chuyển đổi số
Trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và rất nhiều biến động về kinh tế, chính trị, xã hội..., logistics đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc liên kết chặt chẽ các bên liên quan, duy trì và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững toàn cầu.
Hai mảng hoạt động logistics lớn hiện nay là logistics cho các dịch vụ xuất-nhập khẩu và logistics phục vụ ngành thương mại điện tử. Nhận diện được cơ hội, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các phần mềm để khắc phục các hạn chế nhưng đa phần vẫn chưa đầu tư đúng mức cho công nghệ, phần mềm cơ bản vẫn còn được áp dụng phổ biến.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn nhiều tồn tại bất cập, khi phần lớn website doanh nghiệp logistics thiếu những tiện ích mà khách hàng cần dùng.
Báo cáo thống kê thực trạng số hóa logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp logistics trên địa bàn thành phố có ứng dụng ERP đạt 44,8%. Đây là con số khá cao so với mức trung bình của cả nước là 30%, tuy nhiên vẫn chưa tối ưu hóa hiệu quả và vẫn còn số lượng lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được.
Bãi chứa Container hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Tương tự, tỷ lệ ứng dụng hệ thống quản lý kho hàng (WMS) đạt 41,4%. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đa quốc gia đều được trang bị hệ thống này. Khi vào hoạt động trên thị trường Việt Nam, họ dùng chung hệ thống của công ty mẹ.
Những doanh nghiệp lớn chuyên làm kho phân phối như Tổng Công ty Tân Cảng, Gemadept, VINAFCO, U&I, TBS, Transimex, Sotrans... đang phát triển các ứng dụng quản lý kho hàng để đạt mức đồng bộ dữ liệu giữa các bộ phận giao hàng, quản lý hàng tồn, kế toán tài chính... Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí đầu tư vẫn là một rào cản lớn.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp logistics có sử dụng công nghệ mã vạch chỉ chiếm 10,2% và sử dụng công nghệ RFID (công cụ cơ bản để quản lý dòng lưu chuyển hàng hóa) chiếm 2,5%. Đồng thời, việc sử dụng điện toán đám mây, công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo... vẫn còn rất hạn chế trong doanh nghiệp logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn logistics còn thấp và chưa đồng đều nên ngành đối mặt với vấn đề lớn là khả năng kết nối, đồng bộ chuỗi dữ liệu logistics để tạo thành cơ sở dữ liệu dùng chung cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Cùng với đó, một số nguyên tắc chưa có trong luật và quản lý Nhà nước cũng tạo ra rào cản cho việc số hóa dịch vụ logistics như chưa có luật về logistics, luật về e-logistics, thủ tục hành chính còn phức tạp...
Bên cạnh những hạn chế, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra hai điểm sáng trong chuyển đổi số trong ngành logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh là 99% phương tiện vận tải đã được gắn hộp đen giám sát hành trình GPS và dữ liệu hành trình đã được đồng bộ về trung tâm điều hành. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) đạt 72,4%, chủ yếu trong các khâu khai báo hải quan, xử lý vận đơn của nhà vận chuyển.