Khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch công tác HĐND
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp Khai mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII |
Sáng 21/2, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 đã khai mạc.
Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà tham dự.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước...
Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá kết quả hoạt động, đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân trong giai đoạn tới; đồng thời tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm trong công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng Nhân dân.
Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân năm 2022 là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Lần thứ nhất, việc tổng kết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 Hội nghị ở 3 vùng miền: khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung-Tây Nguyên và khu vực phía Nam.
Hội nghị lần này có sự tham dự đầy đủ của Thường trực Hội đồng Nhân dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Rà lại tám nội dung cần thực hiện trong năm 2022 mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, năm 2022, Hội đồng Nhân dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.
Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của Hội đồng Nhân dân, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của Hội đồng Nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
“Kết quả các hoạt động của Hội đồng Nhân dân ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; những yếu tố bất cập, hạn chế từ nội tại nền kinh tế chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, hoạt động của Hội đồng Nhân dân còn một số tồn tại hạn chế về chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban,các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân...
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026.
Lấy người dân làm trung tâm
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 10,28%; quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng (đứng thứ 7 cả nước), gấp 2,36 lần so với 2015, gấp 4,88 lần so với năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt 67% (đứng thứ 5 cả nước).
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chào mừng hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Trong điều kiện một tỉnh cơ cấu xã hội biến đổi rất nhanh, Hội đồng Nhân dân đã luôn thể hiện được tiếng nói đa dạng của các tầng lớp nhân dân và bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đặt ra nhiều yêu cầu rất mới về quản trị địa phương khu vực đô thị gắn với đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm của hệ thống chính trị địa phương mà ở đó Hội đồng Nhân dân là môt thiết chế cực kỳ quan trọng, phải tham dự tích cực vào các vấn đề hệ trọng, nhất là giữa bảo đảm tính thống nhất quản lý nhà nước với phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giữa phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức Đảng với người đứng đầu Hội đồng Nhân dân khi một người đồng thời đảm nhiệm; giữa siết chặt kỷ cương, kỷ luật với khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận định Hội đồng Nhân dân đã và đang thể hiện ngày càng rõ là một thiết chế cực kỳ quan trọng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận cấu thành của nền quản trị địa phương hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.
Nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), trong đó có vai trò rất quan trọng của Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh mặc dù Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, song trên hành trình tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước đòi hỏi phải nỗ lực, phấn đấu lớn hơn.
Hội nghị hôm nay chính là dịp rất tốt để Quảng Ninh được lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành bạn, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo quý báu từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ đó có những quyết sách đúng đắn và giữ đà phát triển trong thời gian tới.