Hướng tới gia tăng xuất khẩu hàng hóa hàm lượng công nghệ cao vào thị trường CPTPP
Việt Nam xuất siêu 6 tỷ USD sang thị trường CPTPP |
Xuất khẩu sang thị trường thuộc khối CPTPP tăng trưởng ấn tượng
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Tiêu biểu như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chile đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 113,6 tỷ USD, tăng 26,7%, nhập khẩu 24,9 tỷ USD, tăng 14,1%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 138,4 tỷ USD, tăng 24,2%. Đây là khu vực thị trường Việt Nam xuất siêu lớn với giá trị xuất siêu khoảng 88,7 tỷ USD.
Xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, máy móc, thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,3%); tiếp đó là dệt may, da giày (25%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (8%); nông thủy sản (4%). Về cơ bản, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hiện tại phù hợp với định hướng xuất khẩu của Việt Nam, theo đó các mặt hàng công nghệ, mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn hơn hẳn so với nhóm hàng nông, thủy sản.
CPTPP tạo sức bật cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường |
Đối với thị trường ở khu vực châu Á, việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP hứa hẹn giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11/2022. Đánh giá về tác động của việc này đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang nước này. Tuy Việt Nam đã có những hiệp định ký với Malaysia trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN + nhưng với việc Malaysia phê chuẩn Hiệp định CPTPP các doanh nghiệp có thể tận dụng nguyên vật liệu của ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất sang 3 thị trường mà ASEAN chưa có FTA là Canada, Mexico và Peru.
Cụ thể, Việt Nam đang nhập từ Malaysia là hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu linh kiện điện tử… Doanh nghiệp Việt có thể sử dụng nguyên liệu này làm đầu vào để đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để xuất sang 3 thị trường Canada, Mexico và Peru.
Daonh nghiệp cần làm gì để tăng giá trị xuất khẩu?
Tuy nhiên, trên thực tế, theo đánh giá của các thị trường, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang thị trường khu vực châu Mỹ vẫn còn thấp. Nguyên nhân xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường này còn gặp trở ngại như khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận tải cao, thời gian vận chuyển kéo dài cùng các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường. Nhiều mặt hàng thị trường có nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết và mức độ thâm nhập chưa nhiều. Về vấn đề này, bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng nhu cầu, thị hiếu của thị trường theo phương châm “không bán cái mình có, mà phải bán cái thị trường cần”.
"Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải xem xét, chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình qua cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường. Đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất. Hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững để phù hợp với thị trường đích đến" – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) lý giải, lượng xuất khẩu tăng nhưng về chất còn yếu; kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp, chưa bền vững. Xuất khẩu chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Nếu so với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia thì giá trị gia tăng xuất khẩu của chúng ta thấp hơn nhiều… Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch chuyển biến mạnh mẽ song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến chế tạo, gia công lắp ráp, nguyên liệu thô. “Điều này cho thấy, chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhập siêu rất lớn” - ông Phương cho hay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp cần nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Nguyên nhân do các khu vực này có nhiều khối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau.
Đơn cử, như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA, gồm Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, GDP:21.000 tỷ USD), khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR, gồm các nước Brazil, Achentina, Uruguay, Paraguay với 265 triệu dân, GDP: 2.400 tỷ USD), khối Liên minh Thái Bình Dương (AP, gồm các nước Mexico, Chilê, Colombia, Peru với 230 triệu dân, GDP: 2.100 tỷ USD), Cộng đồng Andean (CAN, gồm Peru, Colombia, Ecuador, Bolivia với 111 triệu dân, GDP: 700 tỷ USD).
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực cũng vô cùng quan trọng, không chỉ nhân lực trong lĩnh vực sản xuất mà còn nhân lực trong lĩnh vực thương mại. Nhân lực cần có kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại, đặc biệt có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt hơn các cam kết từ hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chú trọng vào những vấn đề như tiếp tục phổ biến các cam kết rộng rãi đến các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hoá xuất khẩu để tham gia vào các thị trường các nước; tuyên truyền các cam kết cũng như quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương; tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đàm phán một số hiệp định FTA mới như Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Ireland; đàm phán Hiệp định FTA giữa ASEAN và Canada.
Song song với đó, Bộ Công Thương tiếp tục nâng cấp một số hiệp định FTA giữa ASEAN và một số đối tác quan trọng của ASEAN như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc… để từ đó doanh nghiệp có thể tận dụng được tốt hơn các ưu đãi từ các thị trường mà Việt Nam đã có FTA và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp.
Đối với những thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nguyên liệu hoàn toàn phải khai thác, đánh bắt ở trong nước, thậm chí nuôi trồng ở trong nước, doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu thích ứng để đáp ứng tiêu chí xuất xứ, để xuất khẩu sang các thị trường CPTPP hiệu quả và bền vững.