Mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam tăng trưởng mạnh sang New Zealand?
Lưu ý khi xuất khẩu chanh, bưởi của Việt Nam sang New Zealand Trao đổi, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-New Zealand |
Kim ngạch xuất khẩu tăng
Thương vụ Việt Nam tại New Zealand dẫn số liệu mới nhất của Cục Thống kê New Zealand cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều New Zealand - Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 đạt 1,48 tỷ NZD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 868,1 triệu NZD, tăng 3,8%, kim ngạch nhập khẩu từ New Zealand đạt 614,3 triệu NZD, giảm 2,0%.
Đối với xuất khẩu, Việt Nam tăng trưởng mạnh ở các mặt hàng như: Trái cây, hạt tăng 14,5% đạt 21,2 triệu NZD; các loại chế phẩm ăn được tăng 44% đạt 10,92 triệu NZD; các chất tẩy rửa bề mặt tăng trưởng 24,4% đạt 24,9 triệu NZD; sản phẩm giấy tăng 21,8% đạt 10,2 triệu NZD; máy móc, thiết bị tăng 50,5% đạt 438,6 triệu NZD.
Theo Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, xuất khẩu phần lớn đều có sự tăng trưởng với 2 con số. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng truyền thống giảm mạnh như: Gỗ, sản phẩm gỗ giảm 27,5% chỉ đạt 2,4 triệu NZD, sản phẩm gốm sứ giảm 76,8% với kim ngạch khiêm tốn là 1,4 triệu NZD; đồ nội thất và thiết bị chiếu sáng giảm 30,8% với kinh ngạch 37,7 triệu NZD. Nguyên nhân nhóm ngành hàng liên quan đến xây dựng giảm do các hộ gia đình tại thị trường thắt chặt chi tiêu bởi ảnh hưởng lạm phát và khó khăn về kinh tế, sức mua chung của thị trường giảm. Nhu cầu của các nhà nhập khẩu, phân phối giảm mạnh và nhu cầu cho nhà ở, nhà văn phòng, các cơ sở kinh doanh bị đóng băng.
Trái cây Việt Nam đang gia tăng hiện diện tại thị trường New Zealand. Ảnh Mạnh Hưng |
Ở chiều ngược lại, đối với nhập khẩu, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu giảm từ New Zealand, đặc biệt mặt hàng máy móc, thiết bị điện, nhôm và sắt thép giảm mạnh. Cụ thể như: Sắt, thép giảm 99,7% với mức nhập khẩu gần như bằng 0 với 58 nghìn NZD, máy móc thiết bị ở mức 71,6% đạt 3,6 triệu NZD. Nguyên nhân là ảnh hưởng từ nhu cầu sản xuất trong nước sụt giảm và các nhà nhập khẩu tại Việt Nam có xu hướng tìm kiếm các đối tác mới với khoảng cách địa lý gần hơn, chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, các mặt hàng tăng trưởng mạnh như các sản phẩm hóa dược tăng 119%, giấy và các sản phẩm giấy tăng 250% đạt gần 9 triệu NZD.
Xét về tỷ trọng, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu hàng đầu từ New Zealand gồm: các sản phẩm bơ sữa (55,6%), trái cây, hạt (25,3%), gỗ và sản phẩm gỗ (4,4%), các chế phẩm ăn được (4,2%).
Số liệu từ Cục Thống kê New Zealand cập nhật 7 tháng 2023, các thị trường xuất khẩu hàng đầu vào New Zealand bao gồm: Trung Quốc, 18,7 tỷ NZD giảm 0,2%; Australia, 9,5 tỷ, tăng 7,2%; Hoa Kỳ 8,6 tỷ, tăng 25,6%. Nhập khẩu từ ASEAN đạt 15,3 tỷ NZD, tăng 27,5%, điều này được minh chứng bởi sự nhập khẩu lớn từ các nước trong ASEAN như Singapore với 5 tỷ NZD tăng 88%, 3,3 tỷ NZD từ Malaysia tăng 30%, Việt Nam xếp thứ 13 với tăng trưởng nhập khẩu vào thị trường này ở mức 12,2% ở mức 1,6 tỷ NZD.
Thương vụ Việt Nam tại New Zealand đánh giá, sự tăng trưởng mạnh nhập khẩu từ các nước ASEAN phản ánh thực tế nhu cầu dịch chuyển tìm kiếm đối tác của các nhà nhập khẩu New Zealand từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận để nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là dấu hiệu đáng mừng và cần nắm bắt của các doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực ASEAN để thâm nhập mạnh hơn vào thị trường đất nước nằm ở phía Nam bán cầu này. “Kỳ vọng nhập khẩu vào thị trường New Zealand sẽ tiếp tục tăng vào các tháng cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân cho những kỳ nghỉ lễ dài và chuẩn bị đón năm mới 2024” - Thương vụ Việt Nam tại New Zealand cho hay.
Hướng tới kim ngạch thương mại 2 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 13 (đứng thứ 5 trong ASEAN) của New Zealand. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand có tăng trưởng tích cực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009 với mức tăng trung bình đạt 14,2%/năm, đạt 1,4 tỷ USD năm 2022. Đồng thời hai bên phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 tỷ USD vào năm 2024.
Tính đến nay, New Zealand có 39 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 209,75 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 11 dự án đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký 38,4 triệu USD tập trung các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô; dịch vụ lưu trú...
Bà Trần Diệu Oanh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand cho biết: Thời gian qua, Thương vụ đã tích cực phối hợp với Bộ Các ngành cơ bản (MPI) và Doanh nghiệp Việt Nam, New Zealand hoàn thành mở cửa thị trường, nhập khẩu chanh xanh và bưởi vào New Zealand; tổ chức Hội chợ, quảng bá sản phẩm Việt Nam tại thành phố Auckland; tổ chức Tuần hàng giới thiệu, quảng bá quả chanh tươi Việt Nam mới vào thị trường New Zeland tại hệ thống siêu thị lớn nhất New Zealand; chủ trì, tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại với Việt Nam trong tháng 4/2023 tại thành phố Palmerston North...
Cùng với đó phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam tham dự các sự kiện của các nước thành viên CPTPP tại thành phố Auckland tháng 7/2023; chủ trì, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương với hơn 80 đại diện tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp của hai nước Việt Nam – New Zealand tại thành phố Auckland trong tháng 9/2023...
Đặc biệt, Thương vụ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại New Zealand để trao đổi về thúc đẩy thương mại giữa hai bên; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu thị trường, ngành hàng, đối tác kinh doanh, quy định, thủ tục nhập khẩu vào New Zealand; theo dõi và cập nhật thông tin tình hình thị trường, và các điều chỉnh chiến lược, chính sách thương mại tại thị trường;
Thời gian tới, nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, bà Trần Diệu Oanh nhấn mạnh, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đã xây dựng, báo cáo về kế hoạch hoạt động năm 2023; triển khai, tổ chức 2 gian hàng triển lãm, quảng bá sản phẩm Việt Nam tại Wellington; phối hợp với một số cơ quan, tổ chức, Hiệp hội tại New Zealand tiếp tục thực hiện các sự kiện giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam…
Việt Nam và New Zealand đều là thành viên tích cực của nhiều FTA mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các FTA này và khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như WTO và APEC. |