Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực thúc đẩy hàng hóa tham gia sâu vào thị trường CPTPP
Doanh nghiệp tăng tốc tham gia sân chơi kinh tế toàn cầu
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Theo Bộ Công Thương, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Mặt khác, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào tháng 3 năm 2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD Mỹ lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.
CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh |
Tại báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 mới đây, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021. Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunay.
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021, cụ thể, thủy sản tăng 41,7%, giày dép tăng 51,7%, dệt may tăng 185,2%, cà phê tăng 140,1%, rau quả tăng 62,3%, hạt điều tăng 39,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%, máy móc và thiết bị tăng 152,3%...
Thặng dư thương mại từ các nước CPTPP trong năm 2022 đạt 2,63 tỷ USD trong khi năm 2021 Việt Nam thâm hụt khoảng 74,5 triệu USD trong trao đổi thương mại với các nước CPTPP. Đặc biệt, thặng dư thương mại từ trao đổi thương mại với 3 nước mới có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru trong năm 2022 lên tới 11 tỷ USD, chiếm 94% tổng thặng dư thương mại năm 2022 của Việt Nam và tăng 6,7% so với năm 2021.
Như vậy, sau hơn 3 năm thực hiện, theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Hiệp định CPTPP đã có tác động mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác thành viên. Còn ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ghi nhận, cùng với các FTA khác, CPTPP đã thật sự là đòn bẩy để thúc đẩy hàng hoá Việt Nam vươn ra thế giới. “Đặc biệt, vượt qua cú sốc Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu hồi sinh, tự tin và tăng tốc tham gia vào sân chơi kinh tế thế giới, điều này thể hiện quả tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường lớn như CPTPP”- ông Nam nói.
Lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển
Tuy nhiên, trong tổng thể, theo Bộ Công Thương, mặc dù gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài.
Nguyên nhân, ông Ngô Chung Khanh chỉ rõ là do nhiều doanh nghiệp chấp nhận theo kiểu “an phận thủ thường,” khi thấy đủ thì không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị có thể mang về. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không đủ lực từ tài chính, nhân lực, kiến thức, kinh nghiệm và tư duy chiến lược để có thể làm thương hiệu cho riêng mình, cộng thêm những khó khăn để kết nối với sâu vào chuỗi cung ứng của đối tác nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức của các cơ quan chức năng.
Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu phải thật sự cần quan tâm, chú trọng để doanh nghiệp có thể tiếp cận sâu hơn thị trường CPTPP. Theo ông Ngô Chung Khanh, xây dựng thương hiệu khó nhưng có thể làm được và doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận thử thách. Muốn vậy, đầu tiên tư duy của người đứng đầu phải thay đổi, đó là dám làm, dám chấp nhận những rủi ro và phải sẵn sàng chấp nhận thử thách. Tiếp theo đó là nghiên cứu tiêu chuẩn của thị trường, dù mỗi nước có một tiêu chuẩn riêng nhưng về cơ bản là phải đảm bảo an toàn thực phẩm, phải xanh, phải sạch, thậm chí phải số.
Ngoài ra, doanh nghiệp không nhất thiết phải có nguồn lực lớn mà quan trọng là có chiến lược kinh doanh, sản xuất bài bản và cuối cùng là có một chỉ dẫn. “Muốn xuất khẩu mà không có quan hệ, kết nối thì rất khó vào thị trường. Do đó, ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, vai trò của các tham tán thương mại hay cơ quan thương vụ tại nước ngoài rất quan trọng. Bởi vì họ hiểu thị trường, họ có những quan hệ, kết nối với chính quyền nước sở tại”- ông Khanh cho hay.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Các nước tham gia Hiệp định này đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, Đại diện Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng đã nhấn mạnh thêm rằng, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng của CPTPP.
Từ góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cũng trăn trở cho rằng, đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, vì thế để có thể khai thác hiệu quả các FTA, trong đó có CPTPP cũng như xây dựng được thương hiệu tại thị trường quốc tế đầy cạnh tranh về phía Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách, thông qua cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi về các loại thuế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến sâu rộng hơn nữa các quy định liên quan tới C/O ưu đãi, lợi thế của việc hàng hóa được cấp C/O ưu đãi đến các cá nhân, doanh nghiệp.