Giải “bài toán” thương hiệu cho sản phẩm đồ gỗ, nội thất Việt Nam
Sản phẩm đồ gỗ, nội thất Việt chinh phục thị trường Hoa Kỳ Tăng xuất khẩu gỗ vào Canada, cơ hội mở rộng thị trường Bắc Mỹ |
Nhiều tiềm năng xuất khẩu đồ gỗ
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến đà tăng trưởng hết sức ấn tượng của các nhóm mặt hàng bao gồm thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, ngoài hai ngành dệt may và da giày chứng kiến đà tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dệt may đạt 37,5 tỷ USD, tăng 14,3%; da giày đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm gỗ vốn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành nội thất và đồ gia dụng cũng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021.
Đáng nói, nhóm các mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam hiện vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan từ 15 FTA song phương và khu vực hiện có với nhiều đối tác trên thế giới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…
Có thể nói, song song với việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bình quân khoảng 3-4 tỷ USD/năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu bình quân mỗi năm trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có nhiều dư địa tạo thị trường nước ngoài nhờ các FTA - Ảnh: Moit |
Đến nay, Việt Nam đã dần vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về nhóm ngành hàng này, là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ. Hiện thị trường xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam đã được mở rộng từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2008 lên trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022; từ xuất khẩu các sản phẩm thô, đến sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại.
Đơn cử, Hoa Kỳ vẫn luôn là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ), năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt trên 8,48 tỷ USD, chiếm 54,1% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam đến tất cả các thị trường.
Thời gian qua, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhóm ngành thời trang, đồ gia dụng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho biết, thị hiếu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng thay đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp nắm bắt để chuyển hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Quyền, xuất khẩu đồ gỗ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn, với gánh nặng xuất xứ và các tiêu chuẩn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có cách tiếp cận khác trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. “Doanh nghiệp cần đầu tư cho sản xuất nhiều hơn để có quy trình sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải để theo kịp yêu cầu ngày càng cao từ các nhà mua hàng” – ông Quyền khuyến nghị.
Xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt
Mặc dù đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước nhưng những thương hiệu mạnh về đồ gỗ, nội thất Việt Nam vẫn chưa thể hiện được dấu ấn trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân chính là bởi chưa tạo lập được thương hiệu của riêng mình khi xuất khẩu ra thị trường các nước.
Thông tin tại Hội thảo "Đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài" do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA cho biết, Việt Nam hiện đang là trung tâm sản xuất sản phẩm gỗ cho thế giới; có lợi thế về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bền vững về chính sách, con người, nguồn cung nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam hiệu quả hơn, cần hình thành trung tâm logistics - xúc tiến thương mại đồ nội thất Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cần bứt phá khỏi các thị trường truyền thống, hướng đến các thị trường có sức mua tốt như Canada, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia…
Ngành gỗ, nội thất cũng cần tích cực mở rộng xuất khẩu online, xuất khẩu theo các dự án. Theo đó, việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nội thất quốc gia tại các hội chợ quốc tế là một chiến lược mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng để xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt, các ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Các ý kiến chỉ ra, việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường nước ngoài. Đồng thời, thương hiệu sẽ góp phần làm tăng giá trị thương mại, định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới.