Hiệp định CPTPP được 5 thành phố trực thuộc Trung ương tận dụng ra sao?
Tận dụng ưu đãi CPTPP, khai thác dư địa thị trường Canada, Mexico và Peru Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực thúc đẩy hàng hóa tham gia sâu vào thị trường CPTPP |
Trao đổi thương mại khởi sắc
5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu của kinh tế vùng, cũng là những địa phương trọng điểm triển khai công tác hội nhập quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Dư địa khai thác thị trường CPTPP vẫn còn lớn. Ảnh TTXVN |
Trong hơn 2 năm qua, việc thực thi các FTA thế hệ mới của 5 thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan và các cấp chính quyền 05 Thành phố, công tác thực thi các FTA thế hệ mới cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, việc triển triển khai, tận dụng Hiệp định CPTPP đã có những chuyển biến rất ấn tượng, nhất là về trao đổi thương mại song phương của 5 địa phương với các thành viên CPTPP. Theo đó, báo cáo cho thấy, trong 2 năm từ 2021 - 2022, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 5 thành phố với các nước CPTPP đạt 79.751 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 26.071 triệu USD (kim ngạch xuất khẩu năm 2021 giảm 6,8%; năm 2022 tăng 20,2%); kim ngạch nhập khẩu đạt 53.680 triệu USD (kim ngạch nhập khẩu 2021 giảm 24,5%; năm 2022 tăng 14,2%).
Đáng chú ý, địa phương có trao đổi thương mại lớn nhất với các nước CPTPP là TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các mặt hàng xuất khẩu từ thành phố sang thị trường CPTPP là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dây điện và dây cáp điện; quần áo các loại; linh kiện điện tử; máy tính và linh kiện máy tính; gỗ và nguyên liệu gỗ; thủy sản; dệt may…; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của 5 thành phố từ các nước CPTPP là: Xăng dầu; cơ kim khí; khoáng sản; linh kiện điện tử - vi tính; nông sản các loại; hàng dệt, may; giày dép các loại; hàng thủy sản…
Ngoài ra, hiện tỷ lệ tận dụng Giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP (C/O CPTPP) theo số liệu của Bộ Công Thương cho thấy cả nước nói chung và 5 thành phố nói riêng tiếp tục tăng trưởng tích cực. Năm 2022, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi sang CPTPP tăng nhiều nhất là cho các mặt hàng như: Thủy sản, giày dép, dệt may, cà phê, rau quả, hạt tiêu, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Các thị trường mới như Canada, Mexico ghi nhận tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP nhiều nhất so với các thị trường.
Để đạt những con số tích cực trên xuất phát từ việc công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA được Sở Công Thương 5 thành phố chú trọng, tích cực triển khai với hình thức đa dạng và đạt hiệu quả. Đáng chú ý, các thông tin tuyên truyền qua bài báo, phóng sự truyền thanh, truyền hình đã được các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương thực hiện với số lượng lớn hàng năm. Qua đó, nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn về hội nhập quốc tế nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng đã được nâng cao.
Công tác nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ được đẩy mạnh; các địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại tại các nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.
Tăng cường khai thác dư địa của thị trường
Xuất khẩu sang thị trường các FTA của 5 thành phố tuy có tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, nhưng theo ghi nhận từ Sở Công Thương 5 thành phố, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA trong đó có CPTPP còn chưa đạt kỳ vọng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi (CO ưu đãi) còn chưa cao. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn.
Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp vẫn tập trung vào thị trường truyền thống, hoạt động xuất nhập khẩu sang các thị trường mới là thành viên của các Hiệp định còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn (như thị trường Canada, Mexico, Peru); các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang thị trường CPTPP.
Nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế đặc biệt là các FTA nói chung và CPTPP còn hạn chế; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng các FTA chủ yếu được lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ của các Sở, ban, ngành của thành phố, chưa mang tính riêng biệt.
Cùng với đó, sự chủ động của doanh nghiệp còn chưa cao trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết tại các FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần tận dụng những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức do các FTA mang lại; Doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, tích cực đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
CPTPP là thị trường có quy mô lớn, đầy tiềm năng để hàng hóa xuất khẩu của 5 thành phố khai thác, tiếp cận. Vì vậy, từ dư địa của thị trường CPTPP hiện nay, Sở Công Thương 5 thành phố kiến nghị, Bộ Công Thương và các Bộ ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Công Thương 5 thành phố trong quá trình triển khai các FTA cũng như CPTPP; chỉ đạo các cơ quan nắm số liệu về xuất nhập khẩu như Tổng cục Hải quan, cơ quan thống kê có chia sẻ thông tin về số liệu xuất nhập khẩu cho Sở Công Thương các địa phương để phục vụ công tác nghiên cứu, báo cáo, phân tích đánh giá, tham mưu đề xuất chính sách, giải pháp tại địa phương.
Đặc biệt, thông qua hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài, Sở Công Thương 5 thành phố mong muốn kịp thời có các báo cáo về các thay đổi chính sách của đối tác, phản ứng của thị trường nước ngoài để kịp thời có các giải pháp, đối sách phù hợp. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp nhằm hỗ trợ bảo vệ thị trường, doanh nghiệp Việt Nam trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài. Có hướng dẫn, hỗ trợ 5 thành phố xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA nói chung và CPTPP nói riêng, trong đó trước mắt tập trung vào một số mặt hàng chủ lực tại từng địa phương.
Các FTA, trong đó có CPTPP đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại hai chiều giữa 5 thành phố và các nước trong FTA, kim ngạch xuất khẩu gia tăng, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP của các thành phố. Đặc biệt, việc thực thi các FTA thế hệ mới giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; nâng cao tính minh bạch trong chính sách, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng và thông thoáng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. |