Hiệp định CPTPP giúp doanh nghiệp Canada biết đến Việt Nam nhiều hơn
Xuất khẩu da giày sang Canada gia tăng lợi thế nhờ CPTPP Sau 3 năm, Hiệp định CPTPP đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới trong hội nhập kinh tế quốc tế |
Thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, 11 tháng năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 9,24 tỷ USD hàng hoá vào Canada, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ở chiều ngược lại, Canada xuất khẩu 661 triệu USD vào Việt Nam.
Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao, Việt Nam hiện đã vượt Italia trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada. Đây là minh chứng cho thấy tác động tích cực của CPTPP đến xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam còn chưa lọt vào top 10 nhà nhập khẩu lớn nhất của Canada, sau 3 năm đã vươn lên vị trí hiện nay. Theo số liệu sở tại, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD với Canada.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng thông tin: Mười mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lớn nhất vào Canada gồm: Dệt may, điện thoại, da giày, máy vi tính, máy thiết bị cơ khí, thuỷ sản, phương tiện vận tải, nội thất, túi xách-đồ du lịch và sắt thép. Trừ phương tiện vận tải ghi nhận mức giảm nhẹ (-5.4%), kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác đều tăng từ 20% trở lên.
Với thuỷ sản, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Canada 11 tháng năm 2022 đạt 229 triệu USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái (146 triệu USD). Đáng lưu ý, xuất khẩu thuỷ sản chế biến của Việt Nam cũng tăng rất mạnh tới 60%, cao gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của các nước vào Canada.
Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ 4 mặt hàng đồ gỗ và nội thất vào Canada sau Trung Quốc, Mỹ, Mexico. 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm mã HS 94 đã đạt 571 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng 9-10 tỷ USD/năm. Đây là mặt hàng có sự hồi phục khá mạnh về nhu cầu sau đại dịch, với quy mô thị trường dự kiến vượt quá 10 tỷ USD trong năm nay.
Thuỷ sản - mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao của Việt Nam sang Canada |
“Do được hưởng thuế ưu đãi mà CPTPP mang lại, doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm và nhận biết tốt hơn về năng lực sản xuất của Việt Nam . Trong chiến lược mua hàng của bạn, Việt Nam đang nổi lên mạnh mẽ nhờ yếu tố ổn định, có thể dự báo và giá thành phù hợp”, bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tai Canada cho hay.
Thuận lợi song hành cùng thách thức
Bên cạnh CPTPP, bà Trần Thu Quỳnh cũng cho biết: Có nhiều cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu vào Canada cả trong ngắn và dài hạn.
Cuối năm vừa qua, Canada đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó định vị ASEAN là trung tâm của khu vực và mong muốn ký kết hiệp định thương mại tự do Canada - ASEAN, đồng thời nâng quan hệ với ASEAN lên cấp đối tác chiến lược.
Canada đã công bố nhiều nguồn ngân sách để mở Viện Phát triển tài chính Canada, Văn phòng của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng Nông nghiệp và Thực phẩm, lập dự án cánh cửa thương mại Canada tại ASEAN. “Với việc Canada có cam kết rõ ràng về chính trị, ngoại giao ở khu vực ASEAN đã tác động mạnh mẽ tới điều chỉnh chiến lược đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp Canada”, bà Trần Thu Quỳnh nói.
Tham tán thương mại tại Canada cũng phân tích: Trong chiến lược này, Việt Nam có một số lợi thế rõ ràng. Thứ nhất, Việt Nam được hầu hết doanh nghiệp Canada đánh giá là cửa ngõ hợp lý để đi vào khu vực nhờ ưu thế về vị trí địa lý, hạ tầng, lao động, ổn định chính trị - xã hội. Thứ hai, cả Việt Nam và Canada đều là thành viên của CPTPP, APEC, đặc biệt 2 nước đã sớm thiết lập cơ chế Uỷ ban hỗn hợp kinh tế để trao đổi định kỳ về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại.
Cộng đồng người Việt ở Canada hiện có khoảng 300.000 người là cộng đồng người châu Á lớn thứ 4 tại Canada, hội nhập rất thành công và khá gắn bó với đất nước. Nhất là số sinh viên Việt Nam theo học tại đây ngày càng tăng đã làm cầu nối không chỉ về văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực mà cả về kinh tế, thương mại .
Gần đây, 2 nước đã đưa vào khai thác tuyến tàu container tải trọng lớn chạy thẳng từ Hải phòng đi Vancouver giúp thời gian vận chuyển giảm còn 17 ngày, giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Tiềm năng phát triển thị trường và kết nối chuỗi sản xuất của 2 nền kinh tế, theo bà Trần Thu Quỳnh còn có 1 số yếu tố thuận lợi khác: Canada là quốc gia thuộc nhóm G7 với tốc độ tăng trưởng trung bình 1,6% trong giai đoạn 2012-2022, GDP/người khảng 56.000 USD nằm trong top 10 thế giới. Canada có nhu cầu tiêu dùng cao và có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao trung bình 5% liên tục trong giai đoạn 2016-2021 và lên tới 17,5% trong năm nay.
Dù vậy, do có địa lý rộng lớn, quy mô dân số nhỏ và sống phân tán khiến chi phí cho hàng lên kệ của Canada đắt hơn tất cả các nước G7 khác. Chi phí tiếp cận hệ thống bán lẻ cũng cao hơn trung bình 10%. Ví dụ chi phí lên kệ ở Hoa Kỳ khoảng 18%, tại Canada là 28%. Thời gian chậm trả cho các nhà bán lẻ, sản xuất và phân phối cũng rất khắc nghiệt, từ 90 ngày đến 6 tháng.
“Mặt khác, nếu chấp nhận vào thị trường Canada theo tỉnh bang thay vì toàn bộ liên bang để giảm chi phí thâm nhập thị trường thì doanh nghiệp phải đối mặt với thực tế quy mô thị trường rất nhỏ, thậm chí thua cả Singapore và Hà Nội”, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Canada cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn. Nguyên do, Canada tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương vì vậy có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng lợi thế nên hàng hoá dễ bị thay thế, ngay cả khi đã vào được thị trường.
Là nước có độ mở kinh tế cao, Canada theo đuổi chính sách tỷ giá thấp so với đồng USD để khuyến khích xuất khẩu, trong khi đó hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được báo giá bằng USD, đây cũng là một điểm bất lợi.
Ngoài những rào cản trên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng cho hay còn có những yếu tố thách thức khác như lạm phát và suy thoái kinh tế đang tác đông không tích cực tới chi tiêu của người dân; hoạt động làm giảm dấu chân các bon trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh tại Canada cũng đang trở thành hình thức gia tăng bảo hộ mới.
Cùng đó, năng suất lao động thấp tình trạng thiếu nhân lực sau dịch Covid-19 vẫn diễn ra trầm trọng trong lĩnh vực vận tải và bốc dỡ container làm cho các đơn hàng mới bị chậm. Mức độ phân quyền cao giữa chính quyền liên bang và tỉnh bang cũng là thách thức không nhỏ để thâm nhập thị trường về quy định tiêu chuẩn nhãn mác.