Tận dụng ưu đãi CPTPP, khai thác dư địa thị trường Canada, Mexico và Peru
Hiệp định CPTPP: Thêm 3 nước được áp thuế xuất nhập khẩu ưu đãi Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt ở thị trường CPTPP |
Tăng cơ hội xuất khẩu
Canada hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Thương vụ Việt Nam tại Canada, tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với năm 2021 và 5 năm sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ năm 2018 lên đến 9,9 tỷ năm 2022.
Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Canada cũng tăng tới 110% sau 5 năm, tức đây là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP. “Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy hiện nay Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada và Canada cũng là nước có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD” – Bà Quỳnh nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn về những cơ hội mà CPTPP đã tác động đến xuất khẩu của Việt Nam sang Canada và bà Quỳnh đánh giá, hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Canada đến nay vẫn được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo MFN, GSP và CPTPP.
Xuất khẩu dệt may được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do |
Thực tế cho thấy sau khi thực thi CPTPP, xuất khẩu của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như điện thoại, điện tử, kim loại cơ bản, thủy sản, nông sản, cà phê… dù sử dụng mức ưu đãi nào sang Canada cũng tăng đột biến – bà Quỳnh thông tin và nhận định, có những mặt hàng tăng đến 1000% cho thấy CPTPP đã có tác dụng “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế.
Bên cạnh đó, “CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam mà chúng tôi gọi là hiệu ứng lan tỏa, tức là thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước” – bà Quỳnh nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu sang Canada vẫn chưa cao, mới đạt khoảng 18%, 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT (thuế quan ưu đãi do Canada áp dụng cho các nước đang và kém phát triển), GSP.
Mặt khác, theo ước tính, có đến trên 60% xuất khẩu hàng Việt Nam sang địa bàn là các sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực công nghiệp nội địa chủ yếu vẫn là xuất thô hoặc gia công và các lĩnh vực mặt hàng như giày dép, quần áo, đồ chơi, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa… Trong khi đó, theo bà Quỳnh, “đây đều là những sản phẩm chúng ta có thể phát triển theo hướng thương hiệu riêng”.
Doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng ta cần tập trung đánh giá việc các doanh nghiệp tận dụng CPTPP với các thị trường Canada, Mexico và Peru”.
Ông Khanh cho biết, đối với 2 thị trường Canada, Mexico kể từ khi thực thi CPTPP đã thấy sự tăng trưởng rất đáng khích lệ ở tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường này. Đối với Peru, thực tế dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao. Đây là một điểm tích cực mà CPTPP mang lại mà doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng có thể nói rất tích cực.
Dù vậy, theo ông Khanh, vẫn còn rất nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm dư địa khoảng 3 – 5% và rõ ràng với những thị trường có dung lượng lớn như Canada, Mexico, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phát triển thị trường để tận dụng tối đa cơ hội.
Bên cạnh đó, ông Khanh cũng cho rằng, hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường Canada, Mexico và Peru còn khiêm tốn. “Nếu chúng ta chỉ đi theo con đường gia công thuần túy, trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn giúp chúng ta ổn định về đơn hàng, nhưng về dài hạn chưa phải là giải pháp hay. Chúng ta phải tính dài hạn đó là phải xây dựng một thương hiệu riêng, tức là đồng hành" - ông Khanh nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về việc xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, Canada ngày càng nhận thức rõ nhu cầu phải đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa bạn hàng do vậy, có nhiều yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thương hiệu riêng tại Canada. Bên cạnh đó, cũng có một số thách thức quốc gia này có nền kinh tế mở và thúc đẩy các mạng lưới Hiệp định thương mại tự do rất rộng với nhiều đối tác, kéo theo đó là rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày… đang được hưởng ưu đãi phổ cập thuế quan tại Canada.
“Tất cả những điều này đều là những thách thức rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn nói chung và đối với việc phát triển các thương hiệu riêng của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường” – bà Quỳnh thông tin và cho rằng, trong câu chuyện phát triển thương hiệu riêng, các doanh nghiệp cần phải đi chung với nhau và đặc biệt phải đi chung với các hiệp hội ngành hàng của mình để cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo giai đoạn.
Theo đó, ở góc độ địa bàn, bà Quỳnh cho rằng cần luôn khai thác Hiệp định thương mại tự do nói chung và khai thác CPTPP nói riêng nhằm thúc đẩy xuất khẩu ngắn hạn mà các doanh nghiệp cần phải nhằm vào những cơ hội lớn hơn; Cần phải tạo thêm sự đồng vận giữa xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ; doanh nghiệp 2 nước cần hiểu để vận dụng và cùng có chiến lược tìm nguồn cung đầu vào tối ưu và có khả năng đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm nâng cao tính cạnh tranh.