Học sinh xúc phạm giáo viên ở Tuyên Quang: Đừng vội đổ lỗi cho ngành giáo dục
Cô giáo bị nhóm học sinh ép vào tường, dọa nạt, thách thức: Yêu cầu Phòng Giáo dục huyện làm rõ Học sinh ném dép vào mặt cô giáo ở Tuyên Quang: Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn |
Trước đó, trong đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội cho thấy cô giáo Phan Thị H. (38 tuổi) dạy âm nhạc ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) cầm dép rượt đuổi học sinh trong một lớp học. Tuy nhiên, trong một clip khác, cô giáo bị một nhóm học sinh ném giấy, dép vào người, xúc phạm và đóng cửa lớp để cô không ra ngoài được. Khi bị ném chiếc dép vào đầu, cô giáo đã ngất xỉu. Vụ việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 29/11.
Hình ảnh học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang. Ảnh cắt từ clip |
Ngay sau đó, khi trả lời báo chí, ông Bùi Xuân Lượng, Chủ tịch xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, cho biết: "chuyện xuất phát từ hai phía". Theo Chủ tịch xã Văn Phú, giáo viên Âm nhạc này nhiều lần có phát ngôn "chợ búa", không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh. Cô cũng mới bị trường cảnh cáo vì hành vi này. "Học sinh có thái độ không tôn trọng cô từ trước, hôm đó cô cũng có hành vi hay phát ngôn chưa phù hợp, dẫn đến các em có hành vi như vậy" ông Lượng thông tin.
Với những thông tin ban đầu như vậy nhiều ý kiến đã vội cho rằng nguyên nhân phần lớn là do cô giáo, do nhà trường và lớn hơn là tình trạng chung của ngành giáo dục hiện nay. Họ cho rằng một đứa trẻ đến lớp học cả ngày, đến tiểu học cũng vậy, chưa nói thời gian đứa trẻ đi học thêm nhà các thầy, cô giáo. Khi đứa trẻ bắt đầu đi học tư duy như tờ giấy trắng, giáo viên dạy gì trong đầu tiếp nhận điều đó, giáo viên luôn là hình mẫu của học sinh để noi theo và nhân cách của đứa trẻ hình thành trong suốt quá trình đi học.
Hoặc học sinh đi học phổ thông là “học để làm người”, học đại học, trung cấp, cao đẳng là “học để làm nghề”, “học để làm người” như thế nào phụ thuộc vào nội dung chương trình giảng dạy, sự truyền đạt của giáo viên và sự quản lý của các cấp giáo dục, đó là sự phân công của xã hội. Học sinh hư là do quá trình học để làm người trên ghế nhà trường.
Nhưng đó chỉ là quan điểm nhìn nhận ở góc độ nhà trường và một phía, nghĩa là họ khoán trắng việc học tập và rèn luyện đạo đức cho các thầy cô. Dư luận cho rằng nguyên nhân ở đây có cả trách nhiệm chính phụ huynh, đó là họ bỏ bê con cái, không quan tâm con cái học hành như thế nào, thái độ với thầy cô, bạn bè, người lớn tuổi ra sao.
Trong 3 yếu tố hình thành nhân cách con người bao gồm: Gia đình, nhà trường và xã hội thì yếu tố gia đình là quan trọng nhất, gia đình là một xã hội thu nhỏ, gia đình có yên ấm thì xã hội mới ổn định được.
Đã là thầy cô chọn cho mình cái nghiệp trồng người thi không thầy cô nào không muốn học trò của mình trở thành người tốt, người tài cho gia đình cho xã hội. Nhưng chính cha mẹ sẽ đẩy đưa con mình trở thành những đứa trẻ hư hỏng, bởi đã có những phụ huynh vào tận trường để đánh giáo viên vì đã la rầy con của họ. Đó là lý do những đứa trẻ hư hỏng học theo cách của cha mẹ chúng để hành động bạo lực với thầy cô.
Hãy nhớ rằng, "Tiên học lễ, hậu học văn", học trò hỗn láo với thầy cô là không thể chấp nhận được.