Nhan nhản khóa học lấy bằng, chứng chỉ online: Đừng để mất tiền vì thói sĩ diện hão
Những năm gần đây, các khóa học lấy bằng, chứng chỉ online nở rộ và ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người đổ xô vào các khóa học này với hy vọng cải thiện kiến thức và nâng cao giá trị bản thân trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, trong cơn sốt chứng chỉ này, không ít người đã rơi vào cảnh mất tiền oan vì theo đuổi những khóa học không thực sự có giá trị hoặc đăng ký học chỉ vì lý do sĩ diện hão?
Trên thực tế, việc cấp bằng, chứng chỉ qua các khóa học online có nhiều ưu điểm như thời gian học tập linh hoạt, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, có thể ngồi học ở bất cứ đâu rất phù hợp với nhiều cá nhân, người đang đi làm... Những lợi thế này đã khiến nhiều đối tượng xấu đã giả mạo các website, fanpage của các trường đại học, trung tâm đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ qua học online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Bởi cái sự tỷ lệ nghịch giữa cách học, “bằng cấp” gặt hái được với số tiền bỏ ra thực sự là một món hời với nhiều người. Cộng với cái thói sĩ hão sở hữu cho được một tấm bìa đỏ A4 để trở thành nhân vật này, nhân vật nọ đã khiến không ít người hoa mắt.
Việc học tập và nâng cao kiến thức là quan trọng, nhưng cần phải có sự lựa chọn thông minh và thận trọng. Đừng để mất tiền vì những khóa học và chứng chỉ không mang lại giá trị thực sự. Ảnh minh họa |
Các đối tượng thường giả mạo website, fanpage trường đại học, trung tâm đào tạo có uy tín để gây dựng niềm tin cho nạn nhân. Sau đó, chúng sử dụng các tài khoản mạng xã hội mạo danh các giảng viên nổi tiếng ở trường đại học có tiếng, giáo viên trong các trung tâm đào tạo để tiếp cận và dụ dỗ người dùng đăng ký khóa học với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn làm giả tài khoản ngân hàng với chủ tài khoản là các trung tâm tư vấn giáo dục của các trường và thuê dịch vụ chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Khi có người tương tác với các bài đăng quảng cáo, chúng sẽ nhắn tin tư vấn về các khóa học. Trong quá trình trao đổi, các đối tượng sẽ khéo léo thu thập thông tin cá nhân, nhu cầu và mong muốn của nạn nhân để đưa ra những lời đề nghị phù hợp.
Khi nạn nhân sập bẫy cũng là lúc đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu “nộp” học phí và liên tục đưa ra các lý do để “kéo” thêm tiền học viên như nộp thêm tiền để đạt kết quả tốt, tiền bảo mật thông tin cá nhân… Khi đã chiếm đoạt được số tiền mong muốn, các đối tượng như thường thấy sẽ “xa chạy cao bay” bằng việc chặn hết các liên lạc, thu hồi toàn bộ tin nhắn trên mạng xã hội và khóa website, fanpage, hoàn toàn bặt vô âm tín.
Trước những chiêu thức lừa đảo trên, để tránh mất tiền oan uổng, tốn thời gian vô ích, mọi người khi có nhu cầu học tập online, cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường, trung tâm đào tạo, chương trình học tập, đội ngũ giảng viên...
Bên cạnh đó, nên lựa chọn các trường đại học, trung tâm đào tạo có website chính thức, có giấy phép hoạt động rõ ràng. Không nên chủ quan, vội vàng lựa chọn các khóa học online được quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội để tránh bị lừa tiền hoặc học phải các khóa học không bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa tiến hành tìm hiểu kỹ thông tin và xác minh tính xác thực của các thông tin khóa học liên quan.
Nhưng cái thiết thực nhất chính là người học cần tĩnh tâm lại “kiểm đếm” cái thói sĩ diện, háo danh của chính mình với những danh xưng “chuyên gia” nọ “bằng cấp” kia sẽ dẫn họ tới đâu? Được việc đâu chưa thấy mà mất thời gian, hao tổn tiền bạc kinh tế đã là thực tế!