"Sống ảo" trên mạng xã hội: Hoàn hảo hơn hay lại hại mình, hại người?
Bây giờ, việc chia sẻ những câu chuyện hàng ngày, cảm xúc cá nhân hay hình ảnh lên mạng xã hội với nhiều người là chuyện hoàn toàn bình thường. Việc tương tác, cập nhật lên trang cá nhân được nhiều người coi là “món ăn tinh thần” đem lại niềm vui, giải trí, thậm chí “chữa lành” sau những giờ làm việc căng thẳng.
Nhưng không dừng lại ở đó, một bộ phận giới trẻ lại đang "tô vẽ" bản thân cho thật hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế, lấy hình ảnh của người khác làm thành sở hữu cho bản thân mình.
Việc dùng hình ảnh của người khác chỉ để lấp đầy sự kỳ vọng của bản thân là việc làm vô nghĩa, nó sẽ nhấn chìm người ta vào thế giới ảo. Ảnh:Dreamcast.in |
Việc “sống ảo" sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như nó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống mọi người. Tuy nhiên nếu việc đó là hành động có “đầu tư”, có chủ ý và gây tác động đến người khác thì lại khó có thể chấp nhận được.
Mạng xã hội từ chỗ tạo cảm giác sai lầm đến khúc xạ hình ảnh về bản thân người sử dụng, vốn dễ dàng được thể hiện qua số lượt thích, bình luận hay người theo dõi… Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội cho rằng, việc sử dụng các trang mạng xã hội là một cách để họ tìm kiếm thêm sự quý mến từ người khác. Đây hẳn là lý do vì sao có rất nhiều người tốn quá nhiều thời gian cho việc lướt Facebook, Instagram hay TikTok. Song, điều này đồng thời đem đến cho người sử dụng những suy nghĩ sai lầm về bản thân mình, bao gồm cả việc… chọn cách thổi phồng về con người thật của mình.
Khi cuộc sống thiếu thốn, không được như mong đợi, nhiều người trẻ "mượn" ảnh, "mượn" sự giàu có của người khác để thỏa mãn bản thân, xây dựng mình thành một con người khác thực tế mà cũng là để xây dựng một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội.
Một người dùng Facebook đã tình cờ phát hiện ảnh chụp bữa ăn của mình bị người khác lấy cắp. Cô tỏ ra không mấy vui vẻ khi hình ảnh của mình bị lợi dụng. Hay như hình ảnh những chuyến du lịch xa xỉ, đồ thời trang, mỹ phẩm, công nghệ đắt tiền cũng bị nhiều người “chộp giật” về đăng tải trên tường của mình để “sống ảo”, “đánh bóng”.
Việc ai cũng phơi bày một cuộc sống đẹp đẽ, sang trọng trên mạng dẫn đến một cơ chế mà các nhà tâm lý học gọi là cơ chế lây lan, đồng nhất hóa. Trong một không gian mạng như vậy, người ta sợ mình bị cô độc, bị khác so với số đông nên cũng cố gắng để sao có được cuộc sống “hoàn hảo” trên mạng.
Với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng, việc chạy theo những giá trị ảo, không thuộc về mình là điều dễ hiểu. Vì vậy, khi tham gia một nền tảng mạng xã hội, mọi người nên tỉnh táo, phân biệt thông tin thật – giả để cập nhật, sàng lọc thông tin cho chính xác.
Những gì được thể hiện trên nền tảng trực tuyến, từ kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn cho đến cuộc sống hàng ngày, trên thế giới ảo dù sớm hay muộn thì cũng có thể đem đến những kết quả (hoặc… hậu quả) ở thế giới thực. Vì vậy, hãy tự vấn, tự bảo đảm rằng bạn đã suy nghĩ kỹ càng trước khi có bất kỳ hành động nào.
Như vậy, việc dùng hình ảnh của người khác chỉ để lấp đầy sự kỳ vọng của bản thân là việc làm vô nghĩa, nó sẽ nhấn chìm người ta vào thế giới ảo. Mạng xã hội chỉ nên là nơi lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, chẳng nên là nơi phơi bày, khoe mẽ quá nhiều.