Hoạt động trải nghiệm cuối kỳ: Học sinh háo hức, phụ huynh phân vân?
Trải nghiệm cuối kỳ thường được hầu hết phụ huynh học sinh ủng hộ và mong muốn các con có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, nhất là vào dịp chuẩn bị nghỉ hè nhưng cũng không tránh khỏi nhiều phân vân, lo lắng khi nhà trường tổ chức cho con em mình đi trải nghiệm thực tế ngoài thành phố.
Quy trình về việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm đã được Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2019. Cụ thể, trước khi tổ chức, nhà trường phải xây dựng kế hoạch bài bản, làm rõ thành phần tham gia, đơn vị thực hiện; thời gian, địa điểm, lịch trình, kinh phí tổ chức, phương án bảo đảm an toàn và lịch học bù cho học sinh (nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định). Sau đó, nhà trường gửi hồ sơ xin phê duyệt kế hoạch tổ chức đến cấp quản lý trực tiếp (trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gửi phòng Giáo dục và Đào tạo; trường trung học phổ thông gửi Sở Giáo dục và Đào tạo).
Nhiều học sinh rất háo hức với chương trình tham quan trải nghiệm chung với lớp |
Tham gia các chuyến tham quan, du lịch trải nghiệm cuối kỳ là dịp để các em cùng hoạt động và giao tiếp với các bạn, tình cảm bạn bè từ đó được gắn kết hơn. Không khí thoải mái của những chuyến đi kích thích hứng thú hoạt động, trí tò mò ở mỗi học sinh, thúc đẩy phản xạ và tư duy phát triển. Sau mỗi chuyến tham quan du lịch, học sinh đều tích lũy được những thay đổi tích cực. Không cần đối mặt với áp lực học tập căng thẳng và những bài học lý thuyết khô khan, học sinh được thoải mái tự do về tâm lý. Các em sẽ chủ động khám phá và tiếp nhận tri thức thu được từ chính chuyến đi. Gần gũi hơn với cuộc sống thực tế tạo thuận lợi cho hoạt động và mục tiêu của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, dù ủng hộ hoạt động vui chơi, giúp các con giải tỏa tâm lý và góp phần hồi phục du lịch, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn không ít băn khoăn: học sinh thường đến trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau củ quả… Học sinh ở thành phố có thể lạ lẫm với hoạt động này, nhưng các em vùng nông thôn hàng ngày khá quen thuộc với sinh hoạt, việc làm của gia đình nên sự hào hứng không cao.
Bên cạnh đó, các buổi trải nghiệm thường gói gọn trong một ngày. Riêng khoảng di chuyển bằng xe ô tô đi về mất khá nhiều thời gian. Không ít phụ huynh vì con còn nhỏ, chưa yên tâm với sự quản lý ngoài giờ học của thầy cô nên đóng tiền để cùng tham dự với con em, như vậy chi phí sẽ đội lên chưa kể nhiều người còn phải thu xếp công việc, thời gian cho thuận lợi.
Như vậy, để hoạt động cuối kỳ được trọn vẹn, quan trọng nhất là kế hoạch tổ chức nên được chuẩn bị ngay đầu năm học và được lãnh đạo nhà trường, cấp quản lý, cha mẹ học sinh đồng thuận. Ngay cả chi phí cho việc đưa học sinh tham gia trải nghiệm cũng cần được tính toán sao cho ít tốn kém nhất, không làm phụ huynh phải bối rối, thời gian gói gọn nhất, học sinh được chăm sóc kỹ càng, ăn uống đầy đủ, địa điểm trải nghiệm thực tế mà vẫn đạt hiệu quả giáo dục cao.
Hoạt động trải nghiệm cũng không phải là điều quá mới hay khó thực hiện đối với giáo viên. Nếu có sự đầu tư, phối hợp cùng đồng nghiệp về nội dung, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và sự ủng hộ của cấp trên chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.