Du lịch ra sao khi tăng giá vé máy bay?
Thông tư 34/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 1/3/2024) đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản với việc các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Việc vé máy bay tăng giá có thể thấy sẽ gây bất lợi cho thị trường du lịch nội địa. |
Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).
Điểm đáng lưu ý là mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).
Bộ Giao thông vận tải lý giải, việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao.
Trước mức giá vé máy bay nội địa ở mức cao hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới rồi cả nghỉ hè, nhiều người lo ngại việc tăng giá trần sẽ khiến mặt bằng giá vé sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, khó khăn cho cả khách hàng và ngành du lịch.
Dưới góc độ người tiêu dùng, đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi tăng giá trần vé máy bay sẽ khiến chi phí đi lại đội lên. Trong bối cảnh người lao động đang trải qua thời gian kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp,... thì chi phí đi lại tăng lên cũng là thách thức không nhỏ về tài chính.
Bên cạnh đó, giá vé máy bay hiển thị trên website khá rẻ, chỉ vài trăm ngàn nhưng lại… chưa phải giá cuối cùng. Khi thanh toán còn có nhiều khoản thuế phí khiến cho tổng số tiền cuối cùng có thể đội lên cả triệu đồng.
Thời buổi khó khăn, người dân chi tiêu thắt chặt hơn nên giá vé máy bay tăng, dù là vài chục nghìn hay vài trăm nghìn đồng khiến mọi người cân nhắc. Nhiều hành khách sẽ chuyển hướng dùng dịch vụ vận tải khác cho tiết kiệm bởi nếu đi máy bay sẽ “chiếm” hết cả tiền lương.
Hơn thế nữa nhiều doanh nghiệp du lịch nội địa cũng “đứng ngồi không yên” khi giá vé bay tăng cao dẫn đến giá các tour du lịch dịp nghỉ lễ, nghỉ hè cũng tăng thêm từ 20% - 30% làm sức mua của khách giảm xuống. Giá tour du lịch trong nước tăng cao cũng khiến khách hàng có xu hướng lựa chọn tour du lịch nước ngoài nhiều hơn.
Việc vé máy bay tăng giá có thể thấy sẽ gây bất lợi cho thị trường du lịch nội địa. Vì vậy, vào dịp nghỉ lễ, mùa du lịch, ngành hàng không và ngành du lịch có thể “bắt tay” để xây dựng được cơ chế giá phù hợp (khuyến mại, ưu đãi, tặng quà...), đủ sức kích thích nhu cầu du lịch.
Bên cạnh đó các địa điểm du lịch nội địa cần đầu tư thêm vào chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực. Việc tạo sự trải nghiệm hài lòng cho du khách bằng sản phẩm du lịch tốt rất quan trọng cũng như giúp du khách nội địa có thể quay trở lại nhiều lần, cho dù giá vé máy bay tăng. Dịch vụ du lịch được cải thiện cũng sẽ đem đến lượng khách quốc tế lớn.