''Chặt chém'' du khách: Đừng vì chút lợi nhỏ mà làm ''vấy bẩn'' hình ảnh du lịch quốc gia
Nghỉ lễ 30/4 – 1/5, du lịch địa điểm nào để không lo “cháy túi”? Tour du lịch nội địa “ế ẩm” dịp 30/4 – 1/5, vì sao? Hà Nội tổ chức Lễ hội du lịch lớn nhất trong năm |
Du lịch Việt Nam những năm qua đã đạt được những bước phát triển vượt bậc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó tình trạng "chặt chém" du khách là một vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Hành vi "chặt chém" thể hiện qua nhiều hình thức như: Taxi tăng giá, nhà hàng "hóa đơn trên trời", khách sạn "móc túi" du khách, ép buộc mua hàng hóa, dịch vụ, hàng rong "hét giá"...
Việc “chặt chém” du khách đã và đang xảy ra ở nhiều điểm du lịch trong cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đã một đi không trở lại. Không chỉ với khách quốc tế mà tình trạng đó còn xảy ra với khách nội địa khi đi du lịch khác vùng miền. Việc làm đó đã dần mất đi sự thiện cảm, thân thiện vốn có trong mắt du khách dành cho du lịch Việt Nam, khiến họ sợ hãi, đắn đo, không muốn quay lại lần tiếp theo.
Việc tăng giá "chặt chém", "chèo kéo" khách du lịch được xem là "con sâu bỏ rầu nồi canh". Ảnh minh họa |
Mới đây, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. Tại buổi làm việc, người bán hàng rong đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã tạo hình ảnh không đẹp về du lịch Hà Nội đối với du khách nước ngoài. Hay trước đó, tại Khách sạn Apricot (địa chỉ tại 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), một hành khách người Mỹ đã nhờ nhân viên khách sạn gọi xe taxi để di chuyển đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Sau khi kết thúc cung đường chỉ khoảng 3km, tài xế đưa 5 ngón tay ra hiệu số tiền, vị khách liền đưa 500.000 đồng nhưng không được trả lại tiền thừa. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sau đó đã mời tài xế đưa phương tiện về trụ sở để làm việc. Tài xế đã thừa nhận sai phạm của mình. Tài xế đã trả lại tiền thừa và xin lỗi vị khách người Mỹ; đồng thời, chịu mức xử phạt hơn 12 triệu đồng.
Bán hàng tại các điểm du lịch là một phương thức kiếm sống “ăn theo” du lịch – nghĩa là hình thức cộng sinh, có khách du lịch thì mới bán được hàng. Tuy nhiên, những người kinh doanh bán hàng rong lại chỉ nghĩ cho mình là cần phải “chặt chém”, tranh thủ bán hàng kém chất lượng hoặc đội giá trị sản phẩm miễn sao thu được lợi nhuận thật cao.
Cách nghĩ nông cạn, chộp giật, tham lam này gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt của minh mà làm ảnh hưởng lâu dài đến văn hóa du lịch tại địa phương, quốc gia, khiến du khách có ấn tượng tồi tệ về vùng đất, con người nơi họ bị “chơi xấu”. Và đương nhiên trong thời đại công nghệ, với những hình ảnh, video, clip được tung lên mạng xã hội “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, thật khó có thể lấy lại được hình ảnh, uy tín mà bao thế hệ con người đã dày công giữ gìn, dựng xây.
Du lịch là một dịch vụ đòi hỏi sự tinh tế, giúp cho người hưởng dịch vụ có được cảm giác thoải mái trong tâm thế, trạng thái vui vẻ, hài lòng. Những người tham gia trong chuỗi các hoạt động dịch vụ, du lịch phải làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Việc chặt chém du khách là hành vi thiếu văn hóa của người tham gia vào chuỗi hoạt động dịch vụ du lịch, nếu không muốn nói hành vi đó là cố tình phá hoại những nỗ lực, cố gắng của cả một cộng đồng đang xây dựng, phát triển dịch vụ du lịch lên một tầm cao mới, giúp cho ngành công nghiệp không khói mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế; đồng thời là dịp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
"Chặt chém" là hành vi xấu không thể chấp nhận được cần có giải pháp ngăn chặn triệt để, với những chế tài xử phạt thật nghiêm minh nhằm răn đe. Việc bán hàng ở các điểm du lịch cần có quy định chặt chẽ như ghi giá tiền trên từng loại hàng hóa để khách du lịch có thể lựa chọn “thuận mua, vừa bán". Người mua mua hàng trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ… đóng góp cho sự phát triển của vùng đất mình đến chứ đừng làm khách phẫn nộ vì mua hớ, bị lừa, bị "chặt chém" để rồi “một đi không trở lại". Bên cạnh đó, giáo dục tuyên truyền các cá nhân bán rong hay các cửa hàng, dịch vụ khác ý thức về việc xây dựng uy tín, hình ảnh du lịch Việt Nam con người thân thiện mến khách cũng là việc cần thiết, nên làm.
Thời buổi công nghệ số, mọi hành vi có thể sẽ bị phơi bày bất cứ lúc nào, vì vậy thiết nghĩ, đã đến lúc mọi người thay vì kiếm lợi "vài đồng bạc lẻ bất minh" bằng việc học cách làm ăn minh bạch để hướng đến lợi ích lâu dài.