2 tháng lương không đủ tiền mua vé máy bay đi du lịch dịp lễ
Vé máy bay tăng nóng trước thềm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo gì? Du lịch ra sao khi tăng giá vé máy bay? Du lịch nội địa lo “ế khách” dịp lễ 30/4 - 1/5 |
Dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 5 ngày. Tôi – sinh viên vừa ra trường, đang làm lao động hợp đồng tại một đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội cũng được nghỉ lễ 5 ngày.
Tôi đã chuẩn bị kế hoạch rất kỹ cho kỳ nghỉ lễ dài ngày của mình, ý tưởng là du lịch một mình tại một khu du lịch nào đó, như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang hay Đà Nẵng, Vũng Tàu chẳng hạn.
Nơi ở tôi dự tính là những nhà nghỉ, khách sạn bình dân với mức giá khoảng 800 nghìn đồng tới 1 triệu đồng/phòng/ngày. Vào tới đó, tôi sẽ thuê một chiếc xe máy rồi rong ruổi tới các địa điểm du lịch, thưởng thức các món ăn vỉa hè, bình dân, có thể là cả cơm bụi, hay bún, phở, đồ ăn nhanh để tiết kiệm chi phí nhất có thể.
Tôi dự tính, tổng chi phí cho chuyến đi du lịch này khoảng 10 triệu đồng, và số tiền này tôi đã tiết kiệm, chuẩn bị từ sau Tết. Nhưng có lẽ tới hôm nay, tôi phải gác lại kế hoạch của mình bởi giá vé máy bay quá đắt, có thể chiếm tới 80% tổng chi phí tôi dự tính và bằng khoảng 2 tháng lương của tôi.
Giá vé máy bay (khứ hồi) dịp lễ 30/4 - 1/5 quá đắt đỏ, lên đến cả chục triệu đồng. (Ảnh: minh họa) |
Cụ thể, giá vé máy bay Hà Nội – Phú Quốc (khứ hồi) dịp lễ này thấp nhất khoảng 8 triệu đồng; chặng Hà Nội – Nha Trang khoảng 7 triệu đồng; chặng Hà Nội – Đà Nẵng khoảng 5 triệu đồng…
Trong khi đó, một sinh viên vừa ra trường như tôi, hệ số lương 2,34, tổng thu nhập gồm cả tiền phụ cấp ăn trưa mỗi tháng chỉ khoảng gần 4 triệu đồng.
Với mức thu nhập này, tôi phải chi tiêu rất tiệt kiệm, gần như không bao giờ đi cà phê, ăn ngoài hay mua sắm quần áo, các đồ dùng mỹ phẩm đắt tiền và phải mất nhiều tháng, tôi mới có thể tiết kiệm được số tiền 10 triệu đồng để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ.
Tôi cũng đã tính với việc thay đổi kế hoạch du lịch ở các địa điểm gần hơn, như: Sapa (Lào Cai), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) hay Hạ Long (Quảng Ninh)… Nhưng suy đi tính lại, tôi quyết định chọn phương án… ở nhà.
Là bởi, nếu lựa chọn du lịch các địa phương gần Hà Nội, phương thức di chuyển thuận tiện nhất là xe khách. Nhưng vào các dịp nghỉ lễ dài ngày, những ngày đầu kỳ nghỉ lễ, người dân từ Hà Nội về quê tăng đột biến dẫn tới tình trạng các cửa ngõ Thủ đô ùn tắc; những ngày cuối kỳ nghỉ lễ, người dân lại trở lại Thủ đô làm việc, cũng dẫn tới tình trạng kẹt cứng, di chuyển rất khó khăn.
Đó là chưa kể tới tình trạng các nhà xe “nhồi nhét” khách, rồi tạt chỗ nọ, ghé chỗ kia để bắt khách dọc đường, dẫn tới mất nhiều thời gian, khiến hành khách vô cùng mệt mỏi.
Thế nên, tôi quyết định chọn phương án ở nhà nghỉ ngơi, dành số tiền này cho một chuyến du lịch ở một thời điểm bớt “nóng” hơn. Khi ấy vừa được đi du lịch với mức giá hợp lý, vừa được tận hưởng một kỳ nghỉ đúng nghĩa, được phục vụ nhiệt tình, chu đáo, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.
>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!