Quảng Nam: Đẩy lùi hủ tục, đưa ánh sáng về bản làng
Dải dẳng những hủ tục
Để cuộc sống của đồng bào huyện Phước Sơn đã ngày càng tốt đẹp hơn, thời gian qua chính quyền địa phương đã không ngừng nghỉ, tuyên truyền, đấu tranh đẩy lùi hủ tục, đưa ánh sáng về bản làng. Những việc làm của cán bộ Xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) là một trong những ví dụ điển hình.
Xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) nằm chênh vênh giữa đỉnh đồi chót vót. Đây là xã xa nhất của huyện Phước Sơn, cũng là nơi xuất phát của “bệnh lạ” bạch hầu khiến 3 người chết vào giữa năm 2015. Khi đó, những con người cả đời chưa biết đến kim tiêm chỉ lý giải đây là căn bệnh lạ, ngay cả Adua (thầy mo của làng) cũng không tìm ra bệnh. Chỉ khi lực lượng chức năng cùng y tế của tỉnh đến, tiếp cận thì mới biết đó là bệnh bạch hầu.
Trước đây, nhiều hủ tục vẫn còn dai dẳng nên đời sống của người dân vẫn chưa thể thay đổi |
Đây cũng là nơi mà có lệ tục sinh con phải ra bìa rừng ở. Đến gần ngày sinh, người nhà của sản phụ sẽ dựng 1 cái chòi đơn sơ, tạm bợ ở phía bìa rừng, đó là nơi mà cả 2 mẹ con sẽ phải sống cùng nhau trong chừng nửa tháng vì… làng cử (kiêng). Sau sinh 10 ngày, người chồng sẽ làm con heo đen nhỏ để trình làng rồi mới được quay trở và nhà.
Còn nhớ năm 2014, chúng tôi lên trụ sở UBND xã Phước Lộc khi trời đã tối mịt thì gặp ông Lưu Huyền Thoại (lúc đó đang là Phó Chủ tịch xã) đang chạy xe máy đi, chỉ kịp ngoái lại nói với chúng tôi: “Em đi họp dân, chỉ buổi tối họ mới từ rẫy về nhà thôi anh”, rồi ông Thoại khuất dáng. Chừng 2 tiếng sau, Thoại về, cười như mếu: “Không ăn thua anh ơi, nay trời mưa rét, họ ở lại nhà chòi trong rừng, không về nhà. Chịu thua!”.
“Nói chung, hủ tục ở đây vẫn còn, giảm đi so với trước kia rất nhiều, nhưng vẫn còn”, ông Thoại nói và cho biết thêm: Để được như hiện tại thì chính quyền địa phương đã phải nỗ lực để tuyên truyền, vận động họ nhiều như thế nào. Giờ, mình phải làm theo kiểu mưa dầm thấm lâu, tạo sinh kế, thu nhập ổn định cho họ thì hoạ may mới thay đổi được”.
Đẩy lui cái cũ, cái lạc hậu
Hiện tại, xã đang triển khai xoá nhà tạm cho người dân trên địa bàn, dự kiến trong năm này sẽ hoàn thành xoá được 24 nhà tạm để giúp người dân ổn định cuộc sống. “Mỗi nhà được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của nhà nước 60 triệu để dựng nhà. Nhưng chừng đó không thể đủ nên chúng tôi vận động bà con vay thêm 40 triệu để làm ngôi nhà cho vững vàng”, Quốc Anh, cán bộ xã Phước Lộc cho hay.
Đâm trâu chữa bệnh khiến cho nhiều gia đình lâm vào nợ nần |
Nhiều bà con ngại, không dám vay vốn nhưng được cán bộ xã vận động rằng, nguồn từ ngân hàng chính sách, lãi suất thấp nằm trong khả năng chi trả của bà con nên hầu hết đều rất đồng tình để vay tiền làm nhà. “Có hai vấn đề, thứ nhất là với 60 triệu được hỗ trợ thì không thể hoàn thành một ngôi nhà; thứ hai, khi đã gắn họ với nợ ngân hàng thì buộc họ phải đi làm để kiếm tiền trả nợ. Như thế thì không có thời gian để uống rượu, mà đã không uống rượu bê tha thì cũng ít khi xảy ra chuyện”, ông Lưu Huyền Thoại cười nói.
Ghé thăm lại “làng bạch hầu” (thôn 4, xã Phước Lộc), từ đầu cổng làng, những bản nhạc nhạc thời thượng từ những chiếc loa kẹo kéo vang lên khắp làng. Đám thanh niên của làng cũng kịp thời thích nghi với những thay đổi từ khi làng có điện.
Trong ngôi nhà gỗ mới được dựng lại còn nguyên nước sơn láng bóng, bà Hồ Thị Lành (43 tuổi) cười hớn hở, khoe hàm răng đen đỏ quạch vì nhai trầu. “Nhà mới đây, hết sợ mưa dột, gió bão rồi”. “Thế đau ốm còn cúng bái chi không?”, tôi hỏi. Bà Lành cười rộ: “Có chớ. Mình nè, mới đau gần chết 2 tuần đây. Mời adua về cúng, không khỏi. Đau quá, chồng phải chở đi viện, nằm 2 tuần thì khoẻ rồi về đây”.
“Thế sau đau có mời adua về cúng nữa không?”. “Có chớ. Thì cúng vẫn cúng, đi viện xin thuốc thì vẫn đi viện thôi. Như con bé nhà đó, sinh 3 đứa đều đem xuống bệnh viện hết. Mình chỉ cúng mấy cái kia thôi, không cúng chữa bệnh nữa”, bà Lành nói.
Chính quyền xã Phước Lộc đang từng bước đồng hành cùng người dân, xoá nhà tạm, nâng cao đời sống tiến tới xoá bỏ Adua của làng |
“Anh thấy đó, việc thay đổi nhận thức không phải nói là làm được ngay. Không phải chúng tôi viện cớ hay đổ thừa trách nhiệm mà đó là thực tế. Nhưng nếp nghĩ, văn hoá đã hằn sâu vào tâm thức của người dân Bh’nong thì có muốn thay đổi cũng phải từ từ. Như người ta nói đó, là muốn nhanh thì phải từ từ”, Quốc Anh, cán bộ xã nói như phân trần.
Sau thiên tai năm 2020, người dân Phước Lộc vẫn đang từng ngày tái thiết lại cuộc sống, tin vào tương lai tốt đẹp hơn!