Du lịch dịp 30/4 - 1/5, đi nghỉ lễ hay đi để “hành xác"?
Hơn 1,1 triệu lượt khách đi hàng không dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 Các khu du lịch tại Đà Nẵng hút khách ngày đầu nghỉ lễ 30/4 – 1/5 Đà Nẵng: Chợ đêm hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 |
30/4 – 1/5 là kỳ nghỉ dài ngày nối tiếp sau Tết Nguyên đán, do vậy nhu cầu du lịch, vui chơi của người dân như được tiếp đà bung lụa. Dẫu vậy, đến hẹn lại lên, ngày này hàng năm đều lặp đi lặp lại viễn cảnh các bãi biển, khu vui chơi giải trí, các tụ điểm du lịch hay thậm chí là trung tâm thương mại đều chật ních người. Tưởng là được nghỉ ngơi thư giãn nhưng trải nghiệm thực tế khiến nhiều người phải sợ hãi, nhớ mãi không quên.
Trước khi được tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày, được vui chơi thỏa thích hay đoàn tụ với gia đình, bạn bè trong dịp này, nhiều người phải bước qua thử thách "hành xác" với kẹt xe, tắc đường. Bắt đầu từ chiều tối của ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, các cửa ngõ, cung đường tại các thành phố lớn đều xảy ra hiện tượng kẹt cứng. Lượng xe đông lên theo giờ, rồi ùn ứ, tắc nghẽn trên các cây cầu, tuyến đường ra quốc lộ, cao tốc.
Những năm gần đây, để tránh việc ngồi bất động trong xe mấy tiếng đồng hồ vì tắc đường, nhiều người đã lựa chọn di chuyển khỏi Hà Nội vào đêm muộn, nhưng điều này cũng chẳng khiến tình hình khá khẩm hơn. Bởi khi có quá nhiều người cùng chung ý tưởng “đi muộn tránh tắc” khiến số lượng người đi đêm lại tăng lên, kết quả vẫn là tắc nghẽn toàn bộ tuyến đường, một đêm trước kỳ nghỉ dài ngày, Hà Nội đèn xe rợp sáng trời.
Tiếp đó, chấp nhận đi chơi vào những dịp lễ như dịp 30/4 - 1/5 này đồng nghĩa với việc các chi phí đều tăng cao, mỗi một gia đình, một cá nhân đều phải bỏ ra khoản tiền ít nhất là gấp đôi so với giá ngày thường dành cho việc đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ trong những ngày này.
Những tưởng bỏ ra số tiền nhiều hơn thì sẽ được phục vụ chỉn chu, chu đáo hơn nhưng mặc cho “khách hàng là thượng đế” thì các “thượng đế” vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Bởi khi có quá nhiều “thượng đế” mà người phục vụ lại ít, thì ai cũng giống ai.
Chưa kể đến việc, nhiều người kinh doanh lợi dụng đông khách để trục lợi cho bản thân, tình trạng độn giá, chặt chém vẫn diễn ra nhan nhản tại các khu du lịch. Khách hàng cũng chỉ đành ngậm ngùi, cắn răng chi trả cho những chi phí phát sinh đắt đỏ ấy cũng chỉ bởi tâm lý đã biết trước đây là điều quá quen thuộc, ai cũng phải “chấp nhận” khi đến những khu du lịch đông người.
Bãi biển vào những ngày lễ, không còn là khung cảnh sóng vỗ rì rào, biển xanh cát trắng nắng vàng thay vào đó là hình ảnh ken kín, lúc nhúc người, để tìm được một chỗ đứng ở trên biển đã là điều khó chứ đừng mơ đến việc có thể thỏa sức vẫy vùng, đắm mình trong làn nước trong vắt ấy.
Các bãi biển luôn trong tình trạng đông "nghẹt thở" mỗi dịp lễ 30/4 - 1/5. Ảnh: minh họa |
Chính những trải nghiệm thực tế ấy khiến du lịch ngày lễ như một cuộc "hành xác", mất tiền mà lại chịu khổ, chưa thấy được thư giãn, xả stress có khi lại rước thêm nhiều sự bực bội, tức giận, mệt mỏi vào người. Do đó nhiều người, khi quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài ngày vẫn trong tình trạng bơ phờ, uể oải, tinh thần đi xuống.
Thiết nghĩ nếu khu vui chơi giải trí, bãi biển nào cũng đông đúc thì hà cớ gì cứ phải đúng dịp nghỉ lễ mới đi du lịch? Mục đích của các kỳ nghỉ lễ ngoài việc kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, còn là để mỗi cá nhân được tái tạo, làm mới bản thân, nạp đầy năng lượng để tiếp tục chinh chiến cho những ngày làm việc còn lại của năm.
Vậy vì sao chúng ta không thể tạm dừng lại những chuyến du lịch trong những ngày này để thay bằng những cuộc gặp gỡ bạn bè, rồi ở bên gia đình nhiều hơn hay chỉ đơn giản là ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa? Vừa tiết kiệm được một khoản tiền lớn, vừa tận hưởng trọn vẹn, đúng và đủ bản chất của ngày nghỉ.
Thay đổi thói quen, suy nghĩ cũng sẽ giúp chúng ta thay đổi chất lượng trong cuộc sống, bớt đi phần nào những trải nghiệm không đáng có. Mặt khác, ngành dịch vụ, du lịch cũng vì thế mà được đổi mới. Bởi thực tế, ngành này không thể chỉ kinh doanh theo kiểu ăn sổi, bắt sóng mỗi dịp lễ này, mà họ cần hơn cả là lượng khách xuyên suốt quanh năm kể cả khi không phải mùa du lịch cao điểm, như vậy mới có thể duy trì được việc làm và doanh thu đều đặn trong cả năm.
>>> Quan điểm của bạn thế nào về vấn đề này? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!