Hiệp định RCEP tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực
Thủy sản Việt Nam: Nhọc nhằn cạnh tranh tại thị trường RCEP Hiệp định RCEP kết nối chuỗi sản xuất khu vực, thúc đẩy xuất khẩu |
Chế biến tôm xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, trang "Bình luận Trung Quốc" tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 6/2 đã đăng tải bài viết, trong đó các nhà phân tích nhận định kể từ khi có hiệu lực vào đầu năm ngoái, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã giúp giảm đáng kể chi phí thương mại hàng hóa giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập sâu rộng của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, tăng cường niềm tin đối với sự phục hồi kinh tế khu vực và tạo động lực mới cho tăng trưởng thương mại, đầu tư khu vực, thậm chí là trên quy mô toàn cầu.
Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan, bà Oramon Subthawitham cho biết tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Thái Lan và các nước thành viên RCEP chiếm hơn 50% tổng kim ngạch ngoại thương của Thái Lan, việc triển khai hiệu quả RCEP có hiệu ứng lớn trong việc thúc đẩy thương mại giữa Thái Lan và các nước thành viên RCEP khác.
Trong lĩnh vực đầu tư, RCEP bao phủ các thị trường và nhóm tiêu dùng rất lớn, theo đó “thị trường rộng lớn sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài cho các nước thành viên RCEP."
Bộ Thương mại Campuchia công bố số liệu cho thấy trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu của Campuchia sang các nước thành viên RCEP đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đó.
Phó Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia Bin Soviji nhấn mạnh RCEP và Hiệp định Thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc là những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Campuchia.
Theo quan chức này, nhờ có RCEP, Campuchia xuất khẩu được nhiều sản phẩm hơn sang các nước thành viên RCEP khác và có thị trường lớn hơn.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam cũng tăng cao nhờ RCEP.
Hiện Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm hơn 63% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại RCEP năm 2022 đạt 12.950 tỷ Nhân dân tệ, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 30,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.
Phó Giáo sư Cố Thanh Dương của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng giữa các nước thành viên RCEP có sự bổ sung mạnh mẽ trong ngành công nghiệp và các quy tắc xuất xứ tích lũy theo quy định của RCEP giúp cấu trúc của các ngành liên quan linh hoạt hơn theo nguyên tắc hiệu quả, qua đó thúc đẩy sự hội nhập các chuỗi cung ứng và công nghiệp giữa các nước thành viên.
Tăng trưởng đầu tư trực tiếp giữa các nước thành viên RCEP phản ánh đà hội nhập chuỗi công nghiệp ngày càng tăng trong khu vực, cũng như sự hấp dẫn lớn đối với các nền kinh tế ngoài khu vực và thu hút ngày càng nhiều đầu tư toàn cầu.
Tổng Thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) Rebecca Greenp cho rằng trong bối cảnh độ mở toàn cầu suy giảm, chi phí thương mại gia tăng và chuỗi cung ứng tồn tại các nút thắt, RCEP đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Đến nay, RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - đã có hiệu lực ở 14 quốc gia thành viên./.