Hà Nội mùa này “phố cũng như sông”, chuyên gia nói gì?
Đường phố Hà Nội ngập sâu vì mưa to, giao thông hỗn loạn Hà Nội: Những điểm ngập úng khiến giao thông tê liệt |
Trao đổi với Báo Công thương, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong khoảng gần 10 năm nay luôn trở thành vấn đề “nóng” mỗi khi có mưa lớn.
Theo chuyên gia, việc quy hoạch tổng thể Hà Nội đang thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì quy hoạch hệ thống thoát nước không theo kịp.
“Có nhiều nguyên nhân liên quan đến thoát nước bề mặt, dẫn đến việc Hà Nội bị ngập úng. Trong đó, một số nguyên nhân nổi bật như tốc độ “bê tông hóa”, mật độ nhà cao tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh… Việc xây dựng nhiều khu đô thị đã dẫn tới dân số tăng quá mức dự kiến của quy hoạch. Trong khi đó, không gian xanh và diện tích các hồ nước lại càng ngày bị thu hẹp lại. Thêm vào đó, việc Hà Nội cho lấp bớt một số hồ, kênh, mương cũng đã ảnh hưởng tới việc thoát nước”, ông Nghiêm nói.
Tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong khoảng gần 10 năm nay luôn trở thành vấn đề “nóng” mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: Báo Sức khoẻ đời sống |
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng đã có nhiều giải pháp được đề ra như vận hành các trạm bơm, các cửa đập đưa nước vào hồ điều hòa; tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lại, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài cần được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh với tầm nhìn quy hoạch cho tương lai.
“Chúng ta cần phải điều chỉnh lại quy hoạch mới, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy, đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ. Ngoài ra, với tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt ở các đô thị trung tâm thì phải chăng đã đến lúc Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh thoát nước giai đoạn 3 để có thể chịu đựng được tác động của biến đổi khí hậu mà dự báo tương lai còn nặng nề hơn nữa. Và tôi cho rằng, không nên phát triển kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là chỉ chú trọng vào các khu đô thị, còn hệ thống kỹ thuật bên ngoài không hài hòa đồng bộ với khu đô thị”, chuyên gia nhấn mạnh
Lý giải về tính khả thi việc thành phố đang triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) để chống úng ngập khu vực phố cổ. Chuyên gia cho biết Hà Nội đã từng xây một bể ngầm ở khu vực phố Nguyễn Khuyến - bể bê tông cốt thép, dài 34m, rộng 9m, sâu 6,6m, dung tích hầm chứa 2.000m3. Hầm được vận hành theo hình thức khi mưa và có nước nổi trên đường, các hố ga thu nước theo ống dẫn xuống hầm. Khi nước mưa trên hệ thống mạng cống thoát nước đã rút, 3 máy bơm của dự án hầm với công suất 750m3/giờ sẽ hoạt động để bơm nước ra ngoài thông qua hệ thống thoát nước. Nhưng thực tế thì khu vực này vẫn ngập.
“Việc xây bể điều tiết ngầm chưa hẳn đã là phương án tối ưu. Quan trọng nhất vẫn là trữ nước mặt. Cả Hà Nội mới có khoảng 2% diện tích có mặt nước phục vụ công tác này, trong khi đó để đảm bảo điều tiết được thì phải cần 5 - 6%. Hà Nội hiện mới có hơn 6.000ha diện tích mặt nước, phải tăng lên gấp đôi, lên 12.000 - 15.000ha mới đủ đáp ứng”, chuyên gia chia sẻ.
Theo đó, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể giải quyết được vấn đề úng ngập của Thủ đô. Cần chú trọng việc khơi thông, quản lý chặt hệ thống kênh, mương, đặc biệt là dòng chảy của những dòng sông chính (sông Nhuệ, sông Đuống, sông Hồng…). Cùng với đó, phải nâng công suất của các trạm bơm chống úng, ngập.
Về lâu dài, Hà Nội cần xem xét điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước, bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán. Xây dựng một dự án điều chỉnh, đồng thời phải xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt tránh gây ra ách tắc cho hệ thống cống nguồn.
Đặc biệt chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội, cũng như Bộ Xây dựng cần phải có quy định, cũng như bàn thảo với các chủ đầu tư khi xây dựng, nhằm đảm bảo thiết kế hệ thống thoát nước của các dự án phải khớp với hệ thống khung của thành phố. Tránh tình trạng, giải quyết được điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.
Mới đây, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 166 với nhiều giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thoát nước để khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn thành phố.
Về lâu dài, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, lập Kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026-2030.
Hoàn thành 3 dự án đang triển khai là hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh và xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch tại huyện Đông Anh; Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố.
5 dự án đang chuẩn bị đầu tư là hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên; Chống úng ngập cục bộ cho các quận nội đô và một số huyện ven đô; 3 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư.