Xuất khẩu thủy sản khởi sắc nhờ FTA
Xuất khẩu thủy sản vượt 10 tỷ USD | |
Xuất khẩu thủy sản của cả nước dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh 63%, đạt gần 2,3 tỷ USD, tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%. Cá ngừ là ngành có tốc độ tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40%, đạt 941 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30% - đạt 704 triệu USD.
Đáng kể, thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thủy sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021, riêng con tôm đã chiếm khoảng 700-800 triệu USD. Còn thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thủy sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD.
Riêng khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường khối CPTPP đang khởi sắc |
Đánh giá về lợi thế của xuất khẩu thủy sản, theo VASEP cho biết, do nhu cầu từ thị trường tăng lên, trọng điểm là thị trường Mỹ và Trung Quốc; giá xuất khẩu tăng lên từ 10 - 15%, do giá cước tàu vận chuyển tăng.
Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường đã được chúng ta tổ chức lại rầm rộ sau dịch Covid-19, góp phần phục hồi và tăng trưởng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8. Cuối cùng là chúng ta có nguồn nguyên liệu dự trữ từ cuối năm 2021 chuyển sang nên có sản lượng dồi dào đáp ứng nhu cầu các đơn hàng, nhất là cá tra, cá ngừ.
Đặc biệt, nhờ các lợi thế về thuế quan sau khi ký các Hiệp định CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã được chúng ta tận dụng hiệu quả, nhất là ở các thị trường Canada, Mexico, Australia tăng rất mạnh hơn 30%, đạt trên 200 triệu USD/thị trường.
Đối với thị trường các nước CPTPP, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và hầu hết các thành viên đều cam kết sẽ đưa thuế quan về mức 0% trong vòng 3 năm. Sang năm thứ 4 thực thi CPTPP, thị phần của thủy sản Việt Nam tại một số thị trường trong khối có thay đổi rõ ràng, đặc biệt là những thị trường ở khối Mỹ La-tinh.
Đơn cử, theo bà Lê Hằng, trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3%. Riêng cá tra, Mexico là thị trường nhập khẩu số 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. "CPTPP được các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng nhiều hơn EVFTA. Bởi với khối EVFTA bị vướng những rào cản như thẻ vàng, IUU..., trong khi CPTPP hoàn toàn rộng mở với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam"- bà Hằng cho biết.
Tuy nhiên tăng trưởng xuất khẩu của thủy sản đang đối diện khó khăn mới. Do tình hình lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 tới gần như đình trệ, vì thế Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đưa ra dự báo tháng 12, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023.
Đại diện VASEP cho biết, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý IV. Trong tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, sang tháng 11/2022 thấp hơn hẳn 14% so với tháng 11/2021.
Theo một số doanh nghiệp thuỷ sản, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.
Về khai thác thị trường, trong đó có khối CPTPP, bà Lê Hằng cũng nhấn mạnh, khó khăn thực sự trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững. Do Đối tác CPTPP là Nhật Bản cũng bắt đầu áp dụng những quy định xuất xứ đối với một số loài thủy sản khai thác, sau này có thể là những thị trường khác tiếp theo nối quy định.
Trước thách thức mới, bà Lê Hằng khuyến nghị, thời gian tới, doanh nghiệp phải quan tâm và có những điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong CPTPP.