Từ vụ facebooker Vo Quoc xúc phạm báo chí nhìn tới văn hoá mạng xã hội
Lập nhiều tài khoản để buôn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội “Siêu sao Messi vào MV của Jack”: Mạng xã hội dậy sóng sau chia sẻ của doanh nhân Phạm Ngọc Quốc Cường |
Mấy ngày qua, vụ việc facebooker Vo Quoc dùng mạng xã hội để nói tới cộng đồng báo chí cả nước bằng những ngôn từ thô tục mang tính mạt sát, đồng thời có những lời lẽ không phù hợp với nhân vật lịch sử đang gây bức xúc cho công luận.
Đáng chú ý facebooker này sau những hành vi trên lại còn đi xa hơn trong ứng xử hết sức thiếu văn hoá bằng việc đổ thừa cho bị “hack” tài khoản trước khi thông báo “nhanh chóng” khôi phục lại được tài khoản “chính chủ” (!).
Dường như bản án 3 năm tù vừa tuyên với Nguyễn Phương Hằng và một số đối tượng lạm dụng mạng xã hội để thoả mãn “cái tôi” vẫn chưa tạo ra sức răn đe thì phải?
Được biết ngay sau vụ việc của facebooker Vo Quoc có những hành vi trên, Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh đã chuyển các tài liệu vụ việc đến cơ quan chức năng để sớm xử lý hành vi xúc phạm, mạt sát báo chí.
Dư luận đồng tình với sự vào cuộc kiên quyết của Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, đồng thời cho rằng, đây là việc làm hoàn toàn cần thiết không chỉ vì giữ gìn hình ảnh, uy tín của các cơ quan báo chí mà còn góp phần giải quyết việc lạm dụng môi trường ảo cũng như xây dựng tính văn hoá cho mạng xã hội.
Kinh nghiệm từ việc “dẹp loạn” game online mấy năm trước cho thấy việc nêu cao tính văn hoá, ứng xử và phát ngôn trên các trang mạng xã hội là hết sức cần thiết và hoàn toàn có thể làm được bằng các thiết chế nghiêm minh, kịp thời và tại chỗ.
Ứng xử, phát ngôn có văn hoá trên các trang mạng xã hội là đòi hỏi bức xúc. Ảnh minh hoạ. |
Không ai phủ nhận việc mạng xã hội là một thành tựu công nghệ cao và góp phần đưa con người đến với con người nhanh hơn, gần hơn. Không khó để nhận thấy, thế giới “ảo” và thế giới “thật” đã thực sự gần lại nhau hơn lúc nào hết.
Nhưng cũng như ở thế giới “thật” đã và đang xuất hiện dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh lý của con người thì thế giới “ảo” cũng xuất hiện các dịch bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất của những người tham gia mà còn của cả cộng đồng.
Điều nguy hiểm là ở chỗ thế giới ảo tạo ra cho người ta cái cảm giác có thể mặc sức hành động, mặc sức tung hoành bằng tất cả những góc cạnh của cá nhân cùng những phát ngôn văng mạng. Trong khi trách nhiệm cá nhân không phải “lo lắng” gì cả, và có thể “ẩn” đi cái trách nhiệm xã hội, trách nhiệm thượng tôn pháp luật của công dân.
Rõ ràng là không thể chấp nhận quan điểm mạng xã hội là nơi thoả mãn cao nhất cái gọi là “ẩn ức” cá nhân cũng như vô tình hay hữu ý tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, chà đạp cộng đồng xã hội mà không phải chịu trách nhiệm gì, cứ “phủi tay” khoá tài khoản là xong.
Thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc cộng đồng trong xã hội kêu gọi xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết.
Bối cảnh hiện tại cho thấy việc xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng cũng như việc xây dựng các thiết chế pháp luật quản lý mạng xã hội đang trở nên cần kíp và là công việc cần đi trước, cần làm ngay.
Đi cùng đó cần xây dựng các quy tắc ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội để có thể lan toả cái đúng mực, cái nên làm của bất cứ tài khoản mạng nào.
Chúng ta không kỳ thị, không cấm đoán sự phát triển của mạng xã hội nhưng cũng không thể chấp nhận mạng xã hội như một “mạch ngầm” gây tổn hại đến quyền lợi của cộng đồng cũng như sự tồn tại của những “không gian riêng” từ điều khiển đến chi phối không gian chung.