Thực phẩm bẩn tràn lan, phải chăng do chế tài pháp lý chưa đủ răn đe?
Siết chặt kiểm tra để ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' dịp Tết Siết chặt quản lý, xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm "bẩn" Lắt léo đường đi của “thực phẩm bẩn” |
Mới đây, ngày 5/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp Đội Kiểm soát Hải quan số 1 và Chi cục Hải Quan cửa khẩu Móng Cái phát hiện có 1.870 kg xúc xích, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được đóng trong các bao tải dứa màu xanh, tập kết trên thùng xe đang trong tình trạng chảy nước có dấu hiệu hư hỏng.
Lái xe là anh N.Đ.H (sinh năm 1992, Quảng Ninh) khai nhận đã mua gom toàn bộ số xúc xích trên, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, đang tập kết để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc liên tục bị phát hiện và bắt giữ. |
Tiếp đó, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp cùng Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa, địa chỉ tại phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên, đoàn kiểm tra phát hiện 7.800 kg thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đúng theo quy định.
Theo đó, đơn vị tiến hành kiểm tra, tạm giữ 7.800 kg thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ trị giá hơn 550 triệu đồng.
TS. LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp |
Đây chỉ là một trong số ít những vụ việc mà lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy. Từ các thực phẩm không rõ nguồn gốc, thời gian vừa qua đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau. Đáng chú ý, đầu tháng 4/2024, đã có vụ ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai được cho là từ việc ăn bánh mì gây hoang mang cho dư luận. Ngày 4/5/2024, UBND thành phố Long Khánh, Đông Nai thông tin đã có 529 ca phải nhập viện.
Bước đầu xác định, nguồn nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến bánh mì là thịt heo, dưa leo, thịt nguội, chả lụa,... được lấy từ nhiều nơi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đa số các mẫu thực phẩm có vi khuẩn Salmonella.
Trên thực tế, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính vẫn tái diễn hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn".
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: "Hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp trong những năm qua không phải là do chế tài không đủ sức răn đe. Những thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sẽ bị tịch thu tiêu hủy, cơ sở kinh doanh có thể bị đóng cửa, doanh nghiệp có thể bị phá sản chỉ vì vi phạm về an toàn thực phẩm, chủ doanh nghiệp có thể phải đối mặt với hình phạt tới 20 năm tù theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự, đó là hậu quả của pháp lý rất nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm ở Việt Nam".
Theo luật sư, nguyên nhân cơ bản trước hết, nằm ngay trong sự tham lam và mờ mắt vì lợi nhuận của kẻ bất lương, vấn đề đạo đức kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất phải trồng trọt, chăn nuôi, mua bán lương thực thực phẩm và cả đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
“Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm nay là do ý thức chấp hành pháp luật, là do đạo đức kinh doanh của nhiều người theo kiểu “lợn nuôi hai chuồng”, “rau trồng hai luống”… Từ khâu trồng trọt chăn nuôi, khâu sản xuất đến khâu vận chuyển bảo quản đến khâu chế biến đều có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Người sản xuất, kinh doanh đều sẵn sàng vi phạm pháp luật, coi nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác chỉ vì lợi nhuận”, Luật sư nói.
Cùng với đó, do một bộ phận người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình và gia đình, chỉ chú ý đến những thực phẩm bắt mắt, có giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, sẵn sàng đăng quảng cáo bán hàng mà không yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc xử lý còn gặp những khó khăn về nhân lực, về cơ chế phối hợp, về phương tiện vật chất kĩ thuật và đặc biệt là về xác định hậu quả làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nói riêng thì cần phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp phòng ngừa trong đó có các giải pháp về chính sách pháp luật, giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giải pháp về nhân lực quản lý, giải pháp về đạo đức công vụ, đạo đức kinh doanh, giải pháp về phương tiện vật chất kĩ thuật, cơ chế giám sát, cơ chế phối hợp trong công tác xử lý và tuyên truyền về chế tài.
Nếu chỉ chăm chăm vào chế tài xử lý, xử phạt hành vi vi phạm thì sẽ thất bại. Chế tài chỉ là giải pháp cuối cùng, không phải là giải pháp căn cơ triệt để. Khi các giải pháp khác không đạt hiệu quả thì giải pháp về chế tài sẽ góp phần hỗ trợ cho các giải pháp khác để hiệu quả hơn.