Sốt xuất huyết: Tốc độ lây lan nhanh, diễn biến bất thường
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra Cách phòng ngừa và điều trị sốt xuất huyết theo quy định của Bộ Y tế |
Sốt xuất huyết đang có tốc độ lây lan nhanh
Thông tin tại Tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 3/12/2024, cho thấy, hàng năm thế giới ghi nhận khoảng 390 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết, gần 500 nghìn ca nhập viện, hơn 20 nghìn ca tử vong. Kể từ đầu năm đến tháng 11/2024, toàn cầu ghi nhận hơn 14 triệu ca sốt xuất huyết và hơn 10.000 ca tử vong, gấp đôi so với năm 2023.
Riêng tại Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 360.000 ca nhiễm và 140 ca tử vong vì sốt xuất huyết, cao gấp 5 lần so với năm 2021. Tính đến ngày 23/11/2024, Cổng Thông tin Bộ Y tế ghi nhận 114.900 ca mắc sốt xuất huyết, vẫn có bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Ảnh minh họa |
Thời gian qua, sốt xuất huyết đã lưu hành ở hầu hết số các địa phương trên cả nước, là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm trở lại, bệnh diễn biến cực kỳ bất thường, chu kỳ ngắn hơn, không còn theo mùa.
GS.TS. Vũ Sinh Nam - Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu và Bắc Trung Bộ như Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP. Hà Nội và một số tỉnh miền núi hiện nay cũng đã ghi nhận sốt xuất huyết lưu hành.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Hầu hết ca mắc sốt xuất huyết không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Cứ khoảng 4 người nhiễm sốt xuất huyết sẽ có một người có biểu hiện nhiễm bệnh. Phần lớn người bệnh sẽ hồi phục trong vọng một hoặc hai tuần.
Tuy nhiên, trong số người mắc sốt xuất huyết, khoảng 5% có thể tiến triển thành sốt xuất huyết nặng. Đây có thể là trường hợp cấp cứu y tế đe doạ tính mạng cần nhập viện để điều trị ngay lập tức. Sốt xuất huyết không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh và gia đình mà còn làm tổn thất đến kinh tế, xã hội và gia tăng nguy cơ đói nghèo.
Vaccine - “vũ khí” phòng bệnh hiệu quả
Theo GS.TS. Vũ Sinh Nam, hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết, trong đó, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector truyền bệnh phát triển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu. "Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 tuýp virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi tuýp là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các tuýp virus gây ra là rất khó khăn"- GS.TS. Vũ Sinh Nam nêu.
Tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?”. Ảnh: VGP |
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh thêm, khi chưa có vaccine phòng bệnh, chúng ta chủ yếu kiểm soát phòng chống bệnh sốt xuất huyết qua vector truyền bệnh và điều trị triệu chứng. "Tuy nhiên kiểm soát vector truyền bệnh rất khó. Trước chúng ta dựa vào cộng đồng sử dụng các nhân sinh học để tiêu diệt bọ gậy. Nhưng bây giờ muỗi vằn sốt xuất huyết đã di chuyển theo hệ thống giao thông, đô thị hoá của các tỉnh, vì thế sốt xuất huyết đã lên đến các tỉnh miền núi phía Bắc" - ông Hoàng Minh Đức nói.
Hơn 40 năm qua, theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng, thế giới đã rất cố gắng để có một phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó vũ khí hiệu quả nhất chính là vaccine. Và hiện, may mắn là trong những năm gần đây chúng ta đã có vaccine sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép vào tháng 5/2024. Tỷ lệ tiêm vaccine không nhiễm sốt xuất huyết đạt 85% và khi bị nhiễm thì hơn 90% không có triệu chứng nặng phải nhập viện. Điều nay cho thấy, vaccine rất hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam.
Mặc dù vaccine đang là “vũ khí” phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên, GS.TS. Vũ Sinh Nam cho rằng, theo Tổ chức Y tế Thế giới hướng dẫn, ngoài việc sử dụng vaccine thì không thể lơ là công tác phòng, chống vector truyền bệnh được. Vấn đề này đang được triển khai ở nhiều nước, như Thái Lan, Indonesia. Theo đó, dù các nước đã áp dụng vaccine nhưng vẫn đồng thời tiến hành các biện pháp diệt vector truyền bệnh để đảm bảo tính bền vững của vaccine.
Vì vậy, GS.TS. Vũ Sinh Nam nhấn mạnh, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để sử dụng vaccine nhưng đồng thời tích cực tham gia chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, muỗi ở hộ gia đình để đảm bảo việc phòng chống có hiệu quả lâu dài. Tiếp theo là phải tiếp tục công tác giám sát, cập nhật các thông tin về sốt xuất huyết và sẵn sàng phát hiện sớm những biển hiện bùng phát dịch để có biện pháp tổng hợp như vaccine và diệt vector để đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả.
Thời gian qua, công cuộc phòng chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm; chương trình phòng chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, đã góp phần đạt 3 mục tiêu, đó là giảm tỉ lệ mắc, giảm tỉ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, Chính phủ đã xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội. |