Bộ trưởng Bộ Y tế mang thuốc lá điện tử vào nghị trường để trả lời chất vấn
Chiều 11/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều - Đoàn Đắk Nông đặt câu hỏi liên quan đến sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho thanh thiếu niên.
"Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này và giải pháp kiểm soát ra sao?", đại biểu Phạm Thị Kiều đặt câu hỏi.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - đoàn Đắk Nông. Ảnh: Như Ý |
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi, với tỷ lệ 7,3%.
Bộ Y tế đã giao đơn vị chuyên môn tổng hợp nội dung nghiên cứu và đánh giá việc sử dụng thuốc lá nung nóng, điện tử ảnh hưởng tim, gan, phổi và đặc biệt là loạn thần. Năm 2023, có 1.234 người liên quan tới thuốc lá điện tử điều trị.
Trong bối cảnh có khoảng 40.000 người/năm mắc các bệnh do thuốc lá thường, việc sử dụng thuốc lá điện tử tràn lan đã gây ảnh hưởng rất lớn.
"Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động rất chi tiết, hiện đang trình lên Chính phủ. Chúng tôi đã giao các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng với Tổ chức Y tế thế giới tổng hợp những nội dung, căn cứ khoa học mà thế giới hiện nay đang áp dụng", bà Lan cho hay.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã mang đến một số sản phẩm thuốc lá điện tử, được làm rất bắt mắt, có sức hút rất lớn đối với trẻ em.
"Ai có thể hình dung đây là một điếu thuốc lá điện tử không ạ? Những sản phẩm này được đưa ra thị trường, tính hấp dẫn và thu hút giới trẻ rất nhiều", Bộ trưởng Y tế giơ một mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử với hình dáng như một búp bê nhỏ và đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Như Ý |
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân thuốc lá điện tử và nung nóng trôi nổi trên thị trường dù chúng ta chưa cho phép bán, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng nhập lậu. Bên cạnh đó, chính vì lợi nhuận, các hình thức tiếp thị của các công ty nước ngoài sản xuất, nhập lậu, các loại thuốc lá này vẫn còn ở trên thị trường.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng, trong thời gian tới phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết được vấn đề buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có một Nghị quyết của Quốc hội liên quan tới việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được xem xét, sửa đổi", bà Lan nêu.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, tại Phiên họp Quốc hội giả định trẻ em vừa qua, 100% đại biểu Quốc hội trẻ em đồng thuận đề xuất với Quốc hội cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra được việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì đây là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân", Bộ trưởng khẳng định.
Tiếp tục trả lời câu hỏi về việc xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và chất kích thích cho trẻ em, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian vừa qua. Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.
Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Trong đó có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế… Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.