Cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá điện tử từ năm 2025
Cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử
Chiều 30/11, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với 458/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Đáng chú ý trong lĩnh vực y tế, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đề xuất của đại biểu là phù hợp do tính chất cấp bách, phức tạp, độc hại, gây nghiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên", Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết - Ảnh: Quochoi.vn |
Quốc hội cũng yêu cầu đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh quan điểm cần cấm thuốc lá điện tử do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí rằng việc bổ sung quy định cấm và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán trái phép là cần thiết.
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thế hệ mới, hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerine. Ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và nhiều chất độc hại khác xuất hiện trong khí/khói mà sản phẩm này tạo ra.
Theo Bộ Y tế, mặc dù không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, chúng vẫn gây nghiện do hàm lượng nicotine cao, đồng thời gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế
Nghị quyết cũng nêu rõ, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Sau chất vấn, yêu cầu từ Quốc hội còn là thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ. Xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng “tại chỗ” của các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động, tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về y tế của các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: Như Ý |
Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động sự tham gia hiệu quả của các hội nghề nghiệp.
Trong năm 2024, thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Khẩn trương hoàn thiện bộ công cụ đánh giá năng lực, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, kết nối với hệ thống dịch vụ công quốc gia, địa phương; chậm nhất quý I/2025, xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chính phủ và ngành y tế còn được yêu cầu tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2045; xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng.
“Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định”, theo Nghị quyết.
Song song là tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý Nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động sự tham gia hiệu quả của các hội nghề nghiệp.