Lắt léo đường đi của “thực phẩm bẩn”
Trong “vòng xoáy” thực phẩm bẩn: Minh bạch thông tin là giải pháp hàng đầu Siết chặt quản lý, xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm "bẩn" |
Liên tục phát hiện vi phạm
Với nguồn lợi lớn, không ít gian thương sẵn sàng dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn hàng hóa hết hạn sử dụng... ra thị trường. Thời gian qua, để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan tập trung kiểm tra thường xuyên, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, bánh kẹo…
Điển hình, đầu tháng 2/2023, 24 tấn thịt heo, bò, gà và các loại nội tạng động vật đã được cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trước đó bị buộc tiêu hủy, doanh nghiệp bị xử phạt 240 triệu đồng. Số thực phẩm này trước đó bị Đội Cảnh sát kinh tế - Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) phối hợp với với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vào ngày 16/12/2022 tại 2 kho đông lạnh của Công ty TNHH Thực phẩm Long Phát (Biên Hòa). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thực phẩm có dấu hiệu bốc mùi hôi thối và đang ở giai đoạn phân hủy.
Công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng vừa kiểm tra, phát hiện hơn 9 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại xã Ngọc Thiện |
Qua kiểm tra 2 kho đông lạnh này, lực lượng chức năng xác định, toàn bộ số thực phẩm trên không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chủ cơ sở cũng không xuất trình được Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở khai nhận toàn bộ số thực phẩm nói trên được mua thông qua mạng xã hội và các mối từ các tỉnh phía Bắc, sau đó về bán lại cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Tân Yên và Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thực phẩm MĐ, địa chỉ tại thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện trong kho lạnh, kho cấp đông, trên các bàn sơ chế và nền nhà của công ty có các loại hàng hóa gồm: 7.845 kg chân gà đang bảo quản trong kho lạnh; 335 kg chân gà rút xương đang bảo quản trong kho cấp đông; 320 kg chân gà rút xương đang sơ chế; 950 kg lòng lợn đông lạnh. Tổng trọng lượng của số hàng hóa này là 9.450 kg, ước tính trị giá khoảng trên 100.000.000 đồng.
Qua quá trình làm việc, bà Dương Thị Miền - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm MĐ đã thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên là của công ty; tuy nhiên, chủ công ty cũng không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa này.
Hay hồi cuối tháng 12/2022, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 70kg thực phẩm tươi sống đối với địa điểm kinh doanh số 2 – chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh – Công ty cổ phần T-Martstores về hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống đóng gói quá hạn sử dụng ghi trên bao bì hàng hóa.
Ngăn chặn mối nguy hại từ "thực phẩm bẩn"
Không thể phủ nhận tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin về vấn đề này, bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường đối với lực lượng. Trong suốt thời gian qua, Tổng cục đã thường xuyên chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Song song với đó, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng để không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật - Bà Chu Thị Thu Hương cho hay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm, từ đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm, nông sản "bẩn", hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định rõ một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức, cùng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Nếu vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự. |