Thị trường châu Á, châu Phi còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt
Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trước thềm cuộc họp của Fed Thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi |
Chia sẻ tại "Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023 kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao… đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng.
Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động và gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của Cà Mau trong khuôn khổ "Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" tổ chức từ ngày 12-16/7/2023 tại TP. Hồ Chí Minh |
Liên quan đến việc phát triển thị trường, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương - cho biết: Hai thị trường gồm châu Á, châu Phi hiện đang chiếm tới 68% xuất nhập khẩu của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 500 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa có nhiều kế hoạch dài hơi cho những thị trường rất tiềm năng này. Trong đó có 2 tỉnh Trung Quốc giáp ranh là Vân Nam, Quảng Tây, xa hơn là thị trường Ấn Độ và các nước châu Phi.
“Riêng thị trường châu Phi nhập khẩu khoảng hơn 600 tỷ USD/năm nhưng chúng ta mới chiếm có 0,8% thị phần… Như vậy từ thị trường xa đến những thị trường gần, ngay cả những thị trường mà chúng ta tưởng rất là gần gũi thì vẫn còn nhiều dư địa chưa khai thác hết”- ông Hưng nói.
Để giúp doanh nghiệp tiếp cận, khai thác hai thị trường nói trên, đồng thời cũng là đạt mục tiêu đề ra đối với hoạt động xuất nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp trong nước tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, nhất là phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, da giày để ổn định việc sản xuất đón đầu các kế hoach tới. Ngoài các thị trường có Hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần có hoạch định cụ thể hơn đối với thị trường các nước châu Á, Châu Phi.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, hội nghị cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.